Mỹ du ký phần 7
Yosemite ( Hoa Kỳ)
7. Vài nhận xét về tính cách và lối sống Mỹ.
Dĩ nhiên đây chỉ là nhận xét rất thoáng qua của một người mới chỉ ở Mỹ sáu tháng và ít có dịp tiếp xúc với người Mỹ, chủ yếu là nhận xét từ bên ngoài và về những gì tốt đẹp hơn là những điều không tốt.
Thoạt nhìn, người Mỹ rất thân thiện và lịch sự. Đi ra ngõ gặp người hàng xóm hay gặp bất cứ ai trong công viên, trên đường đi dạo, người Mỹ đều có thể chào với cái gật đầu hay nụ cười: “Hi”, “Hello”, “Good morning”. Nhưng chỉ thế thôi nếu không có chuyện gì đặc biệt để nói thêm. Dù sao điều đó cũng mang lại cảm giác thân thiện đối với khách nước ngoài.
“Thank you” và “Sorry” là tiếng nói đầu môi của người Mỹ. Lần bị thất lạc hành lý ở sân bay Denver, chúng tôi hỏi ở phòng Information, được báo đã tìm thấy và hướng dẫn đến nhận lại ở phòng “Lost and found”. Vì hành lý đó chưa được chuyển đến nên nhân viên phụ trách bảo chúng tôi ngồi chờ ở bên ngoài gần đó. Thỉnh thoảng chúng tôi đến hỏi nhân viên này đều không tỏ ra khó chịu và “sorry” vì chưa có. Làm như anh ta có lỗi không bằng. Khi hết ca trực, anh ta còn giới thiệu chúng tôi với nhân viên mới thay để dễ làm việc.
Nhiều lần đi bộ ngang qua đường ở các khu phố nhỏ hay chung quanh khu mua sắm, dù chúng tôi chưa bước xuống đường, một số người lái xe đã dừng lại ra hiệu mời chúng tôi đi trước, còn khi đã bước xuống, tất nhiên họ phải dừng lại. Đây là luật nhưng cũng là ý thức và tính lịch sự. Tuy nhiên ở New York một số tài xế “taxi vàng” cũng phóng ào tới, bóp còi inh ỏi khi người đi bộ đang băng ngang đường làm chúng tôi giật thót cả mình.
Một lần ở Washington D.C., ngay trên con đường chính gần khu trung tâm, anh bạn lái xe đưa chúng tôi đi thăm các nhà bảo tàng về đụng phải một cô gái đi xe đạp. Như sau đó cô cho biết, do mãi nghĩ ngợi, cô lo ra không chú ý nên thình lình quay ngoắt ngang đường đâm vào đầu xe của chúng tôi. Anh bạn tôi thắng gấp nhưng không kịp vì quá gần và quá bất ngờ, cô bị tông văng lên cao rồi rơi xuống đường. Chúng tôi và vài người đứng gần đó vội chạy lại giúp gỡ cô ra khỏi chiếc xe đạp, để cô nằm ở tư thế thoải mái và cho cô uống nước. Cô bị gẫy một chân, lòi cả xương ra ngoài nhưng vẫn còn tỉnh táo và miệng cô mấy lần mấp máy “Sorry”. Có lẽ cô tự thấy mình có lỗi đã gây ra tai nạn, làm mọi người lo lắng. Sau đó chúng tôi chứng kiến một màn như trong phim khi xe cảnh sát, xe chữa lửa và xe cứu thương hú còi inh ỏi phóng tới chỉ sau mươi phút. Lúc cảnh sát lập biên bản, những người chứng kiến đều thuật lại trung thực những gì họ thấy khi tai nạn xảy ra. Cô gái được nhân viên y tế sơ cứu và đưa đi trong sự ái ngại của chúng tôi.
Người Mỹ có tính kỷ luật cao, trật tự và kiên nhẫn, thể hiện rõ nhất khi xếp hàng. Tôi đã chứng kiến ở Sacramento, mấy chục người Mỹ xếp hàng cả nửa tiếng để chỉ vào ăn một bát xúp trong cửa tiệm bé tí xíu nhưng nổi tiếng của một người Pháp. Ông chủ vừa làm đầu bếp vừa là người phục vụ, không thuê mướn ai nên làm rất chậm. Anh bạn cũng đưa chúng tôi đến đây và chúng tôi sốt ruột không chịu được, rất ngạc nhiên trước tính kiên nhẫn của người Mỹ, nhất là khi thưởng thức món xúp không lấy gì đặc sắc vì không hợp khẩu vị.
Đi máy bay là dịp phải xếp hàng nhiều nhất nhưng ít thấy ai tỏ ra sốt ruột hay khó chịu. Xếp hàng chờ “check in”, chờ qua kiểm tra an ninh, chờ lên máy bay, lên máy bay rồi còn chờ người đi trước cất hành lý lên khoang. Tất cả đều phải xếp hàng chờ rồng rắn nhưng không ai chen lấn, giành chỗ. Nếu có ai mới đến vô ý đứng không đúng vị trí chỉ được người đứng cạnh nhắc nhở một cách nhẹ nhàng. Chẳng bì với người Việt, dù sống lâu trên đất Mỹ cũng không bỏ được tật chen lấn. Đi xe đò Hoàng không có số ghế, ai lên trước ngồi trước nên chen lấn để giành chỗ tốt. Đi máy bay từ Mỹ về Việt Nam, chặng cuối Hồng Kông – Sài Gòn toàn người Việt, chúng tôi bị một mẻ chen lấn phát khiếp, đang đứng lấy hành lý cũng bị người sau xô đẩy, hoàn toàn khác với những lần đi máy bay trên đất Mỹ. Ở các khu đông đảo khách tham quan, du lịch, khi chúng tôi chụp hình, những người khác kiên nhẫn đứng đợi, không đi qua để khỏi vướng và họ thường tự động đề nghị chụp hình giúp để có hình hai người chung khi thấy chúng tôi phải thay phiên chụp cho nhau. Nhân tiện cũng “nói xấu” luôn người Việt về chuyện vứt tàn thuốc lá. Thanh niên Mỹ cũng có nhiều người hút thuốc, dĩ nhiên ở nơi không cấm, nhưng họ cẩn thận tìm chỗ bỏ tàn, nếu không có, họ dụi tắt rồi cho tạm vào bao thuốc chờ đến nơi có thể vứt. Ngược lại, người Việt hút thuốc dù đứng ngay bên cạnh chỗ gạt tàn, một số người cũng búng tàn ra đường hoặc vứt xuống đất lấy chân dí lên. Y hệt ở Việt Nam?! (Đây là nói về cái xấu có thật của một số người Việt không học được cái hay của người Mỹ dù sống lâu trên đất Mỹ, chứ không phải vì mặc cảm tự ti, hoặc vì mới sang Mỹ thấy cái gì của Mỹ cũng nhất).
Người Mỹ có lòng hảo tâm, thích giúp đỡ. Trên máy bay, khi chúng tôi đưa hành lý lên khoang chứa gặp khó khăn, lập tức người đứng cạnh làm giúp. Nhiều người cuối tuần đi giúp chăm sóc ở các nhà dưỡng lão. Có người chạy xe dọc theo các xa lộ để giúp đỡ những trường hợp xe bị sự cố, tai nạn. Những người về hưu đi làm giúp cho các công viên quốc gia để bảo vệ môi trường, quảng cáo cho các khu du lịch trên tàu lửa (như chúng tôi đã chứng kiến trên chuyến xe lửa Amtrack chạy từ Los Angeles lên San Jose) hay làm việc ở thư viện. Đó cũng là cách họ tỏ lòng biết ơn và trả nợ xã hội. Trên nhiều con đường có các thùng chứa quần áo cũ, ai muốn tặng cứ việc đem đến để vào trong, thỉnh thoảng sẽ có người lái xe đến lấy đem về giúp cho các cơ quan từ thiện. Chúng tôi đã từng được bạn đưa đi xem và mua đồ “garage sale” ở một số lớn con đường trong thành phố Cupertino, được tổ chức đồng loạt trong hai ngày cuối tuần và quảng cáo trước trên mạng. Phần lớn số tiền thu được dùng vào việc từ thiện. Các tổ chức từ thiện này nhiều vô số kể, tiêu biểu là tổ chức của vợ chồng tỷ phú Bill Gate, đã quyên góp hàng tỷ đô la để giúp các nước nghèo chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Nhiều người giàu khi mất để di chúc hiến tặng tài sản cho các tổ chức từ thiện chứ không để lại cho con cháu.
Có một chuyện gây tranh cãi về tính cách của người Mỹ thể hiện trong xã hội. Một hôm vợ tôi đi bộ từ siêu thị về nhà trên một con đường khá vắng, quãng đường không xa lắm mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đi dạo. Một người Mỹ lái xe cùng hướng đỗ lại và hỏi vợ tôi có muốn anh ta chở về nhà không. Anh chàng còn trẻ và mặt mày cũng khá thân thiện. Vợ tôi từ chối nhưng anh ta bắt chuyện hỏi han và nài nỉ thêm mấy lần mới chịu chạy đi. Khi nghe kể lại, vợ chồng anh bạn tôi đều kêu lên kinh ngạc và trách vợ tôi sao đứng lại nói chuyện làm gì. Ở Mỹ trường hợp đó phải từ chối dứt khoát và nếu kẻ đó cố tình dây dưa phải gọi cảnh sát ngay vì nhiều khả năng đó là kẻ xấu, chỉ muốn lợi dụng và có thể làm nhiều chuyện ghê gớm như bắt cóc, hãm hiếp, giết người. Vợ tôi phản đối vì cho rằng chẳng lẽ người Mỹ không tử tế, không có tình người, tại sao lúc nào cũng nghi ngờ về thiện chí của con người. Mấy ngày sau, vợ tôi đi dạo lại gặp anh chàng đó chạy xe rề theo mời chở đi. Vì sự cảnh báo của anh chị chủ nhà, vợ tôi dứt khoát từ chối. Anh chàng bỏ đi. Vợ tôi về kể lại, anh chị bạn lại càng khẳng định kẻ đó có ý đồ xấu và đang có kế hoạch theo dõi vợ tôi, khuyên vợ tôi không nên đi dạo một mình nữa. Chúng tôi lại tiếp tục tranh cãi. Thực ra chúng tôi đã xem nhiều phim Mỹ về những kẻ tâm thần đã làm những chuyện khủng khiếp dưới bề ngoài hiền lành tử tế nhưng vợ tôi vẫn không tin mọi trường hợp đều như thế. Dù biết là ngây thơ, vợ tôi vẫn muốn tin vào điều thiện hơn điều ác.
Một lần khi đi thăm viện bảo tàng về người da đỏ ở Washington D.C., tôi thấy có một cuốn sách ai để quên trên ghế đá bên ngoài, tôi chỉ nhìn qua nhưng không chú ý lắm. Vòng qua phía bên kia tòa nhà, tôi lại thấy một cuốn sách khác trên bãi cỏ, bọc ngoài cẩn thận bằng bao ni lông, bìa có dán mấy chữ “Take me home”. Tôi ngạc nhiên lấy lên xem. Bên trong có một tờ giải thích, hướng dẫn về một hoạt động và tổ chức có tên bookcrossing. Tổ chức này khuyến khích đọc và phổ biến sách bằng cách mỗi người chọn một cuốn sách hay mình đã đọc, cố tình “để quên” ở những nơi công cộng như một cách chuyển giao miễn phí cho người khác. Các cuốn sách này được ghi mã số theo sự hướng dẫn của những người tổ chức trên một trang web và mọi người có thể theo dõi hành trình của nó cũng như ý kiến của những người đọc sách. Quả là một sáng kiến độc đáo.
Dù là một quốc gia còn rất non trẻ so với nhiều quốc gia có hàng ngàn năm dựng nước, người Mỹ có ý thức bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn lịch sử rất cao. Về ý thức bảo tồn thiên nhiên, tôi đã viết riêng một chương trước đây. Đi qua nhiều thành phố, tôi thấy có các khu được gọi là “historical area”. Trong khu vực này, những di tích, đường sá, nhà cửa đều được giữ nguyên vẹn như từ thời lập quốc chứ không xây dựng mới. Ở Sacramento chúng tôi được bạn đưa đi thăm pháo đài Sutter’s Fort, nơi được phục chế hầu như toàn bộ khung cảnh, vật dụng, hình ảnh và mô hình hoạt động của những người đầu tiên khai phá vùng đất này một cách sinh động. Ngay cạnh một nhà bảo tàng ở South Virginia, vẫn còn tồn tại ngôi nhà đá xây dựng từ năm 1774. Nơi có trận đánh nổi tiếng thời chiến tranh giành độc lập ngày 7 tháng 10 năm 1780, Kings Mountain đã trở thành một công viên quốc gia. Nhà bảo tàng ở đây trưng bày đầy đủ các hiện vật liên quan như các loại vũ khí, quần áo binh sĩ, sa bàn trận đánh, lại thêm các phim tư liệu tái hiện cuộc chiến với các diễn viên hóa trang thành các nhân vật ngày xưa. Ở Washington D.C. vẫn còn khu nông trại của vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Còn đối với những nhà bảo tàng, đài tưởng niệm của các tổng thống gần đây như Roosevelt, Nixon, Jefferson… mà chúng tôi đã được đến xem, người ta lưu giữ không thiếu một thứ gì, từ nhà ở, vật dụng cá nhân như quần áo, đồ dùng cho đến các hoạt động chính trị, các câu nói nổi tiếng… Ngay đối với một người có uy tín lớn còn sống như mục sư Billy Graham cũng có cả một viện bảo tàng về cuộc đời và hoạt động của ông, phong phú không thua gì viện bảo tàng của các tổng thống.
Một việc khá gây ngạc nhiên: Trên một bức tường dài vài chục mét ở một đường phố trước đại học UC Berkeley, gần một công viên, chúng tôi thấy một bức tranh grafiti lớn. Người bạn đưa chúng tôi đi là “dân địa phương”, giải thích đây là bức tranh vĩ đại vẽ bằng sơn vào giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, lúc phong trào phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam lên cao. Giữa một loạt các hình vẽ tượng trưng về nhiều chủ đề, phần lớn là đòi hỏi tự do, chống đàn áp, có một lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt Trận Giải Phóng và cảnh bé Kim Phúc trần truồng chạy trốn bom đạn. Bức tranh ngay giữa đường phố nhưng vẫn được giữ gìn tốt, tuy có chỗ phai mờ vì thời gian, mưa nắng nhưng không hề có dấu vết vẽ bậy hay bôi xóa.
Người Mỹ ít thích chia sẻ sự riêng tư nên khó hiểu sâu về họ. Một người bạn tôi là kỹ sư tin học, đã làm việc trong các công ty Mỹ hơn 30 năm, ban đầu là nhân viên thường, về sau là manager, có lúc làm “sếp” của vài chục nhân viên người Mỹ. Anh bảo tuy vẫn thường xuyên gặp gỡ, làm việc, trò chuyện với họ, nhưng phải 10 năm sau anh mới hiểu được những gì người Mỹ nói ra và nghĩ trong đầu. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến lối sống của người Việt ở lâu trên đất Mỹ. Khi quen biết thêm một số bạn, theo thói quen của người Việt trong nước, chúng tôi thăm hỏi một vài điều có tính cách riêng tư, một vài bạn đã tìm cách lãng tránh, có người nói đùa: Ông bà định “thẩm vấn” tôi đấy hả?
Sự việc cô gái đi xe đạp bị đụng xe cũng gây cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Tôi hỏi anh bạn lái xe sau sự việc mình phải làm gì. Anh bảo chả làm gì cả. Tất cả đều do hãng bảo hiểm lo. Vậy không gặp gỡ, thăm viếng gì người bị nạn sao? Anh bảo ở Mỹ không ai làm cả, nếu làm thế càng thêm rắc rối vì người ta sẽ lợi dụng để kiện tụng rất phiền. Ít lâu sau vụ đụng xe, cô gái bị nạn kiện đòi bồi thường. Lúc đó chúng tôi đã rời Washington D.C. nhưng hãng bảo hiểm cũng gọi điện thoại tới, lấy lời khai của nhân chứng và ghi âm lời khai để đưa vào hồ sơ. Việc bồi thường nếu có cũng do bên bảo hiểm lo. Anh bạn chỉ lo việc phải tìm hãng bảo hiểm xe khác và chi phí sẽ cao hơn sau lần gây tai nạn. Làm sao ta có thể hoàn toàn không bận tâm khi dù vô tình hay cố ý gây tai nạn cho người khác, làm họ có thể tử vong, tàn tật và thay đổi hẳn số phận của cuộc đời. Dĩ nhiên anh bạn tôi không nghĩ như vậy vì anh cũng nghĩ “kiểu Việt Nam” như chúng tôi nhưng anh phải theo tập tục Mỹ. Phải chăng ở Mỹ người ta rất nhân ái nhưng cũng có lúc thiếu biểu hiện tình người, ít ra trong trường hợp này? Nghịch lý?
Ra đường, nhất là những nơi đông đúc như New York, Washington DC, Los Angeles… ít ai chú ý đến ai. Chung quanh tòa nhà Quốc Hội hay khu vực National Mall and Memorial Parks ở Washington DC, lúc nào cũng vô số người đi lại. Cảnh tượng thật đa sắc, sống động. Người vận complet nghiêm chỉnh xách cặp đi bên cạnh kẻ mặc may ô quần soóc. Phụ nữ Hồi giáo trùm đầu giữa các cô nàng tóc vàng, tóc nâu hở ngực, hở rốn. Người chạy bộ nóng quá thản nhiên cởi trần. Đồng phục công nhân, học sinh, hội đoàn từ nhiều địa phương hội tụ. Những em bé trên xe đẩy, các cụ già bước đi chầm chậm, những người tàn tật đi xe lăn. Da trắng, da đen, da màu chen lẫn. Nhiều loại ngôn ngữ vang lên trên đường phố, trong công viên. Chúng tôi cũng ngồi bệt xuống thảm cỏ hay trên hè phố ngắm người qua lại trong sự chuyển động không ngừng của đô thị, thấy mình vừa là chính mình một cách riêng tư vừa là thành phần của một xã hội tự do không ai bị xâm phạm.
Người Mỹ cũng tiêu xài phung phí. Có lẽ ngoài xăng dầu, nước Mỹ tiêu thụ giấy và thảm trải sàn nhiều nhất thế giới. Giấy vệ sinh, giấy ăn, sách báo chiếm một số lượng kinh khủng. Thảm trải sàn có ở khắp mọi nơi, từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, toilet nhà riêng cho đến công sở, siêu thị, sân bay… đâu đâu cũng có thảm. Các bạn tôi bảo nếu một người Mỹ và một người Việt làm lương bằng nhau thì người Việt sẽ mua được xe đắt tiền hơn vì biết tiết kiệm. Các bạn có dâu hay rể là người Mỹ đều thấy con cái ăn xài rất lãng phí, góp ý thì chúng bảo đó là sống kiểu Mỹ.
Người Mỹ thích nhiều thứ của đất nước mình cái gì cũng lớn, cũng nhất, cũng đầu tiên. Nước Mỹ là siêu cường số 1. Chuyện xưa khi Liên Xô lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ, Mỹ đã hối hả phát triển khoa học không gian để lần đầu tiên đưa người lên mặt trăng. Ai cũng biết xe hơi Mỹ to lớn, cồng kềnh, uống rất nhiều xăng bây giờ phải lo điều chỉnh để cạnh tranh với các dòng xe châu Á vừa nhỏ gọn vừa tiết kiệm nhiên liệu. (Hóa ra lớn chưa chắc đã nhất). Tòa nhà chọc trời Empire State Buiding cao nhất thế giới đầu tiên ở New York bây giờ mất thứ hạng dẫn đầu, đi ngang trông cũng không khác gì lắm so với vô số building cao ngất chung quanh. Chúng tôi cũng được các bạn đưa đi xem một số công trình được người Mỹ tự hào và quảng cáo là “nhất thế giới”. Cầu treo Royal Gorge cao nhất thế giới ở Canon City, một thành phố nhỏ xíu “khỉ ho cò gáy” trong dãy núi Rocky Mountain của bang Colorado, với ba thứ ăn theo cũng nhất thế giới. Nhà thờ The Cathedral Church of Saint John Divine ở New York lớn nhất thế giới nằm gần trường đại học Columbia. Cầu treo Golden Gate ở San Francisco không dài nhất nhưng có khoảng cách giữa hai cột dài nhất thế giới. Hollywood là kinh đô điện ảnh của thế giới. Một số trường đại học Mỹ nằm trong top ten chất lượng nhất thế giới. Bảo tàng Newseum về báo chí trên đường Pennsylvania ở Washington D.C. được quảng cáo là “the world’s most interactive museum” với 6 tầng lầu, trình bày hoạt động báo chí của loài người qua 5 thế kỷ với những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, xứng danh là “nhất thế giới”. Đại lộ Broadway Avenue ở New York cũng dài nhất thế giới…
Một số việc được coi là không tốt, tiêu cực của nước Mỹ chúng tôi cũng đã nhìn thấy. Mấy lần chạy xe trên đường, chúng tôi nhìn thấy những hàng dài người nghèo đứng chờ nhận thực phẩm cứu trợ. Không hiếm khi xe dừng lại ở các ngả tư có đèn đỏ, thấy những người “homeless” ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu đứng giơ tấm bảng xin cứu giúp. Những người vô gia cư này đôi khi nằm dài bên lề đường, góc phố, dưới hàng hiên, với tài sản chỉ là một túi vải nhếch nhác. Tôi từng thấy họ tập trung đông nhất ở một công viên nhỏ trước đại học UC Berkeley, ngồi đầy trên các ghế đá, bãi cỏ. Anh bạn ở địa phương giải thích vì luật lệ ở bang Cali và city này không khe khắt nên số người đó tập trung về nhiều hơn các nơi khác. Thực ra, chính phủ có chương trình trợ giúp cho họ nơi ăn ở nhưng vì đa số người này nghiện ma túy, bị tâm thần hay muốn tự do nên thích ra đường sống hơn. Tôi cũng nghe nhiều người than phiền về chi phí y tế đắt kinh khủng nên người nào không có bảo hiểm y tế, khi đau ốm là cả một tai họa, vào bệnh viện chờ chực không được cứu chữa. Ở Central Park của New York, chúng tôi đã thấy các thanh niên Mỹ đạp xích lô chạy lòng vòng chào mời khách du lịch. Xe đeo bảng Cycle Cab, có số đàng hoàng ở phía sau. Cũng có xe không số, vẽ sơn nguyệch ngoạc, chắc là xe “chui”. Và ở Mỹ cũng có “chợ cơ bắp” không khác gì Việt Nam. Nhiều nơi, những người Mễ thất nghiệp tụ tập đứng ngoài đường chờ người ta đến thuê làm bất cứ việc gì…
Chúng tôi đến Mỹ vào thời điểm kinh tế đang suy thoái mạnh, thể hiện ngay nơi những gì có thể nhìn thấy được. Nhiều khu mua bán lớn đóng cửa, bãi đậu xe mênh mông vắng ngắt. Một số đường phố ở San Jose bạn tôi bảo trước đây rất tấp nập vào giờ ăn trưa bây giờ chỉ lưa thưa người đi. Các tiệm ăn vào cuối tuần không đông đảo mấy vì người ta ăn ở nhà để tiết kiệm. Một nhà máy rượu ở Sacramento khi bạn đưa đến chơi thấy cửa đóng then cài, thông báo phá sản. Rồi báo đăng thông tin thống đốc bang Cali thực hiện thả bớt tù nhân, đóng cửa một số công viên vì ngân sách không đủ chi phí… Tuy vậy nhìn chung tiềm lực và sự hùng mạnh của nước Mỹ vẫn còn đó.
Lời tạm kết
Như đã nói trong “Lời thưa trước”, chuyến đi Mỹ của tôi nằm trong một hoàn cảnh đặc biệt nên việc viết bút ký gặp nhiều hạn chế. Phần quan trọng và có thể sinh động, thú vị và hữu ích nhất là việc tiếp xúc với con người trong những bối cảnh và vấn đề cụ thể. Tôi rất muốn viết về những cuộc gặp gỡ này, đại loại với tiêu đề “những khuôn mặt người Việt trên đất Mỹ”. Trở ngại là do hoàn cảnh chung, hoàn cảnh của những người tôi đã tiếp xúc và của riêng tôi đang bị chi phối nặng nề bởi các loại quyền lực chính trị, điều cần thoát ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Đây không phải là né tránh sự thực mà là sụ cẩn trọng cần thiết. Chính một số người trong cuộc đã yêu cầu tôi đừng viết vì những điều viết ra sẽ bị lợi dụng, đánh phá, làm hại đến cá nhân cũng như tình hình chung. Hi vọng đến một lúc nào đó, tôi có thể viết như mong muốn dù ký ức và xúc cảm cũng đã phần nào phai nhạt. Xin gởi một lời xin lỗi đến mọi người vì thiếu sót ngoài ý muốn này.
(Viết lai rai từ Mỹ về Việt nam cho đến tháng 4/2010)
Tiêu Dao Bảo Cự
Lời bàn của Trương Hải...
Trước hết cá nhân tôi xin chân thành cám ơn tác giả bài Mỹ Du Ký..
Tuy là thời gian quá ít ỏi ở tại xứ Mỹ( 6 tháng)..Nhưng ông cũng đã có một phần rất lớn trong việc nhận xét cũng như viết lại những gì tai nghe mắt thấy tại nơi vùng đất Hoa Kỳ. Đất nước Hoa Kỳ mà đại đa số tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều nhìn vào và mơ tưởng sẽ được định cư tại đây...Thú thực với ông, tôi cũng đã sống tại đây trên dưới gần 30 năm, tôi phải nói thêm...Đất nước Hoa Kỳ là một đất nước luôn tôn trọng quyền dân chủ và tự do cá nhân của con người, nói như thế không phải là chúng ta lạm dụng quyền tự do rồi muốn làm gì thì làm. Và tôi cũng phải kèm theo đất nước này là một đất nước rất khắt khe về pháp luật, nếu ai vi phạm luật thì dù có là Tổng thống Mỹ cũng vẫn bị thi hành như thường...Cái hay của đất nước này là như thế đó quý vị.
Nếu có dịp chúng ta sẽ bàn thêm, và để rộng đường dư luận..Tôi post lên tất cả bài viết của ông, để mọi người cùng đọc và tham khảo.
Chân thành cám ơn ông rầt nhiều
Trương Hải