Bản Thánh ca kỳ lạ


Mở báo vào dịp lễ thì đề tài số một là các "gợi ý" hơi kỹ cho các cơ hội mua quà tặng. Thứ nào xem ra cũng vừa túi tiền mà rất hấp dẫn, mang lại "hạnh phúc" nhanh chóng quá sức. Lại cho trả góp sáu tháng không lấy lời. Tử tế quá chứ.
Kìa một cô người mẫu được thuê để đeo chiếc nhẫn kim cương cười tươi ơi là tươi, niềm vui rạng lên khóe mắt làm ửng hồng làn da, đong đầy tươi mát tình duyên. Trông thấy vậy thì một cô vợ trẻ cảm thấy xốn xang ngay. Lâu nay bầu khí gia đình có vẻ trầm lặng quá, anh chồng thì mải mê tối ngày lo trả các khoản tiền trong tháng cũng không xong, nên chẳng còn biết chiều chuộng như hồi mới quen nhau. Hay là mình đã xuống giá?! Cứ thấy người ta cười tươi làm mình phát thèm, ao ước mình cũng được như vậy, long lanh như mặt kim cương dưới ánh sáng điện.

THỜI ĐIỂM ĐỔI MỘT CÁI ÁO LẤY MỘT MẠNG NGƯỜI

Một người tâm sự với bạn: - Xui quá là xui, đang tự nhiên bị cái hạt cát rơi trúng mắt, phải đi bác sĩ, hết toi cả mấy chục đô.Anh bạn kia liền thông cảm với lời an ủi: -Vậy là còn may đấy. Chả bù cho tớ tuần vừa qua vợ tớ đi "mò" (mall), một cái áo dạ hội rơi trúng mắt nàng, thế là tớ mất tiêu hơn hai trăm đô!Quảng cáo có mãnh lực áp đảo rất tinh vi. Người lớn còn bị xỏ mũi như vậy, huống chi là trẻ con. Chúng cứ nhìn những đồ chơi mắc tiền bán ở tiệm Toys are Us hay của mấy đứa hàng xóm, thì không còn có thể cầm lòng được nữa. Đứa bạn cùng lớp đi học tuần vừa qua mang đôi giầy Jordan mới toanh, cái áo ấm mắc tiền có dấu vạch của hãng Nike cứ chọc vào mắt làm sao chịu nổi. Thế là như bị lên cơn, về đòi ba má không mua kịp thì nghĩ đến chuyện chôm chỉa. Con cái bị áp đảo lên cơn thì cha mẹ cũng lãnh đủ. Thương con nên cũng không muốn con mình bị thua thiệt con nhà người ta, thế là cũng phải ráng, phải gồng. Báo địa phương ở New Orleans đăng tin có ông bố bị thất nghiệp, bắn vào đầu tự tử vì thấy mình không đủ khả năng mua quà mắc tiền cho con cái trong trạng huống đầy căng thẳng như thế này. Lại một tin khác làm rợn tóc gáy. Một đứa choai choai 16 tuổi tên là James Williams mặc cái áo ấm mới toanh loại có hiệu thời trang đang đi ở ngoài đường bị một chiếc xe hơi rà lại. Có tiếng súng nổ. Chiếc áo khoác bị lột nhanh chóng. Đổi một mạng người lấy một cái áo!

TIN VUI BẢN SILENT NIGHT KỲ LẠ.

Đây cũng là một dấu chỉ thời đại lúc mà con người đi vào vòng quẩn. Quà tặng để tạo niềm vui, thì quà tặng cũng là cớ những khốn khổ. Những trái đắng, những rối loạn thì nhiều lắm. Càng tìm cách giải quyết nhiều khi càng quẩn thêm! Thì đây là một giải quyết bất ngờ, tìm lại được niềm vui an bình, qua câu truyện Bài Hát Silent Night.Hằng năm vào dịp lễ Giáng Sinh, không ai mà không biết đến bài hát Silent Night (gốc tiếng Đức là Stille Nacht), do Franz Gruber và linh mục Josef Mohr sáng tác chung trong một hoàn cảnh rất tình cờ và kỳ lạ. Bài hát này đã trở thành phổ thông khắp thế giới và đã được dịch ra các thứ tiếng, không phân biệt tôn giáo.Franz Gruber nhà nghèo sống gần Salzburg quê của Mozart bên nước Áo. Franz mê nhạc ngay từ nhỏ. Khi cả nhà đi ngủ, chú bé Franz liền lẻn đến nhà thờ học đàn với Andreas Peterlechner. Năm 12 tuổi Franz được đánh đàn nhà thờ lần đầu tiên trong một lễ cưới khiến mọi người ngạc nhiên. Thế rồi Franz lớn dần, tìm cách học đàn thêm, lập gia đình và định cư ở Arndorf, và trở thành người đánh đàn phong cầm tại nhà thờ thánh Nicola ở Oberndorf. Cũng chính tại Oberndorf, Franz quen với một linh mục trẻ tên là Josef Mohr.Josef Mohr mồ côi cha từ nhỏ, có tâm hồn nghệ sĩ rất thích nhạc. Rồi lớn lên đi tu, làm linh mục năm 1815. Ba năm sau thì được Đức Cha gửi đến làm cha phó nhà thờ thánh Nicola. Cha Josef Mohr có tính rất vui vẻ tự nhiên, hòa đồng với những người trẻ, khiến cho cha sở là một linh mục già yếu lấy làm khó chịu. Một hôm cha già viết cho cha quản hạt: "Cha Mohr quả thật còn quá trẻ. Đời thuở nào ra trước công chúng mà lại ngậm tẩu thuốc, và còn ca hát chơi giỡn với đám trẻ, khó coi quá sức. Kỳ lụt vừa qua lại còn phóng ca-nô vùn vụt như thanh niên vậy."Cha quản hạt Klo đọc thư chỉ mỉm cười vì chính mình cũng thích nhạc và phóng khoáng như thế.Lễ Giáng Sinh năm 1818 Cha Mohr thật sự lo lắng, vì cha sở già lâm bệnh nặng, trao hết mọi công việc lại, từ việc giải tội đến làm lễ hát trọng thể vào nửa đêm Giáng Sinh. Điều làm cha Mohr hoảng nữa là đàn nhà thờ bị chuột gặm hư luôn không kiếm được người sửa.Buổi chiều chuẩn bị cho Lễ Nửa Đêm, cha Mohr ngồi dọn bài giảng mà chẳng ra một ý nào cả! Bỗng có tiếng gõ cửa, có người muốn gặp. Cha Mohr tỏ ra khó chịu. Giờ này mà còn có người quấy rầy. Nhưng rồi cha bình tĩnh ngay, vì có chuyện khẩn cấp: một đứa bé sinh non cần phải rửa tội ngay vì khó sống.Khí hậu miền Bayern vào mùa này lạnh lắm. Cha Mohr vội vã lội tuyết ra đi, mãi mới tới một nơi hẻo lánh. Bước vào trong một túp lều xơ xác tiêu điều, cha Mohr thấy một cảnh tượng thật xúc động: đứa bé đang ngoi ngóp trong cái nôi nhỏ gần lò sưởi bên cạnh người mẹ xanh xao yếu ớt và người cha loay hoay chưa biết phải làm sao. Nhưng có điều rất lạ: cả căn phòng nghèo nàn toát ra một hơi ấm, nét mặt cả hai vợ chồng rất tin tưởng và an bình, đang khi ở ngoài trời tuyết lạnh rơi xối xả. Cảnh Giáng sinh đây rồi. Tình yêu giáng sinh, tình yêu đang hiện hình. Mọi xung khắc được hóa giải, mọi bổng trầm được hòa lại thành nhạc khúc dịu êm, mọi đắng cay được biến thành ngon ngọt.Khi đã làm xong nhiệm vụ, cha Mohr lại lội tuyết trở về nhà thờ, nhưng tâm hồn rạng lên niềm an vui đầy hứng khởi. Cứ tưởng phải hy sinh và mất giờ đi giúp đỡ người ta, chứ đâu ngờ mình lại được trao tặng món quà hiếm lạ. Thế là thay vì về thẳng nhà thờ, cha Mohr đã tìm tới nhà Franz Gruber ở Arndorf cách nhà thờ hai dặm, và cho biết mình đang rộn lên những hình ảnh và ý tưởng tuyệt vời cần phải viết ra ngay. Thế là sau đó lời của bài hát kỳ lạ Stille Nacht được viết xong, và Franz Gruber phổ nhạc một cách nhanh chóng ngay hôm đó một cách dễ dàng, vì lời thơ tự nó đã rung lên những dấu nhạc đầy thần hứng rồi.Thế là bản Đêm An Bình (Stille Nacht) lần đầu tiên được hát lên với đàn guitar vào lễ Nửa Đêm Giáng Sinh tại nhà thờ thánh Nicola ở một làng quê nhỏ bé Oberndorf. Cảm động hơn nữa, chính cha chủ tế Josef Mohr và Franz Gruber hát câu riêng trong phần suy niệm sau khi rước lễ.

PHÚT TÌM LẠI AN BÌNH.

Mướp đắng nào mà chẳng đắng. Vậy mà mấy người mẹ Việt tài tình quá, đưa mướp đắng mà nấu với tôm thì biến thành một món canh ngọt lạ lùng. Thịt thà nhiều quá cũng chán, ăn cơm ì ạch mãi mới hết một chén. Vậy mà chan canh mướp đắng vào thì khỏi chê. Vừa mát vừa ngon miệng. Cứ là ngọt lịm đi, ngọt tới cuống họng, ngọt tới dạ dầy, một chén cơm bay vèo vèo.Cũng thế, những xung khắc, những đắng cay, những bổng trầm của cuộc sống thì chẳng sao tránh được. Nhưng đây là cách hóa giải, biến thành hòa khúc dịu êm: để cho Chúa giáng sinh trong cuộc sống mình, cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện yêu thương săn sóc. Có Chúa, có tình thương, thì đêm đen được bật sáng, nghèo trở thành giầu, tẻ lạnh trở thành êm ấm. Và đây mới là giải quyết vào thời điểm 2000 này, như lời Kinh Thánh: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta". (Mt 1:23). Vì con người ngày nay đang đánh mất Chúa, nên đời sống trở thành một đêm dài không ánh sáng.Mình cũng có thể đang căng thẳng về vụ sắm quà, về những trái mướp đắng đang ngổn ngang tứ bề, làm sao có thể trở thành một món canh ngọt, làm thế nào mang đến cho nhau niềm an bình sâu thẳm hơn là những hời hợt đua đòi chỉ vun thêm vào cơn thèm khát không cùng?! Đức Chúa Trời đã làm người và ở giữa chúng ta. Nói theo nét văn hóa Việt thì Trời tròn xuống với đất vuông để nối kết đất trời thành vuông tròn sung mãn tình thương. Đó là một Tin Vui quá vui, có sức hóa giải tất cả, biến đổi tất cả. Mình xin được giây phút cảm nhận này, để từ đáy lòng bật lên đốm lửa mới. Đêm nay Thiên Chúa giáng sinh. Đêm nay tình yêu hiện hình. Đón nhận Chúa vào tâm điểm lòng mình thì mọi sự sẽ tìm lại an bình: Put God in the center, and everything will come together. Mọi xung khắc được hóa giải, mọi đắng cay được biến thành ngon ngọt, mọi bổng trầm được hòa lại thành nhạc khúc dịu êm.
LM. Trần Cao Tường

Thánh Lễ ngày Chúa nhật 18/11/07


Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Utah)
Tin Utah: Hôm nay ngày 18 tháng 11 năm 2007, trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật lúc 10 giờ sáng, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại thành phố Salt Lake tiểu bang Utah đã có phần tôn vinh 117 vị Thánh Tử đạo Việt nam, cũng là dịp mừng bổn mạng ca đoàn Cecilia của giáo xứ, và làm phép thánh hiến tượng đài Mẹ Fatima.
Sau Thánh lễ, có phần chiêu đãi, và cũng là dịp mọi người gặp nhau chuyện trò thân mật tại hội trường Thánh gia…Với cái lạnh của khí trời, nhưng bên trong hội trường Thánh gia vẫn vang lên những tiếng cười nói rôm rả thăm hỏi lẫn nhau…
Vẫn là những tiếng cám ơn và cám ơn…Cám ơn Cha Chánh xứ đã giúp chúng con những món ăn tinh thần qua cử hành Thánh lễ và phụng vụ Lời Chúa, ngoài ra còn cho chúng con được hưởng những giây phút chiêu đãi đầy tình nghĩa…Cũng cám ơn những người đã giúp để chúng con có những giây phút gặp gỡ nhau quý báu như thế này…Cám ơn và cám ơn.
Tiện đây, người viết cũng gửi đến ca đoàn Cecilia lời chúc mừng nhân dịp mừng bổn mạng Thánh Cecilia.
Trương Hải…

Kỷ niệm 3 năm Thánh hiến Thánh đường Đức mẹ Hằng Cứu Giúp. Tiểu bang Utah ( Hoa Kỳ)

Hành trình đức tin của người Công giáo Việt nam tại tiểu bang Utah ( Hoa Kỳ)

Tọa lạc tại 5415 S – 4360 W thuộc thành phố Salt Lalt tiểu bang Utah (Hoa kỳ)…Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, dưới sự chăn dắt đoàn chiên trong một Chúa chiên của Linh mục Chánh xứ Hà Đăng Thụy, nên ngôi Thánh đường này đã được thành hình để nói lên niềm tin của người Công giáo và cũng là nơi thành công trên bước đường bảo tồn kho tàng văn hóa cho các thế hệ kế tiếp sinh sống tại đây.Nhìn về quá khứ cuộc hành trình đức tin của người Công giáo Việt nam, ai cũng đều phải công nhận niềm tin của họ. Niềm tin đó liên kết sự đoàn kết, hy sinh và sẵn sàng vượt mọi nghi kỵ, khó khăn để đạt được ước nguyện cuối cùng là có được một ngôi Thánh đường, để cùng tôn thờ Thiên Chúa trong mỗi Thánh lễ ngày Chúa nhật, và cũng là nơi bảo tồn ngôn ngữ cho các thanh thiếu niên trong mỗi ngày thứ bảy. Tuy nhiên, thành công của ngày hôm nay cũng không phải là không có những gian truân của ngày hôm qua.Cộng đồng người Việt tại đây, với con số thống kê rất khiêm nhường so với các tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ. Trong số người Việt nam định cư, có nhiều người có những tôn giáo khác nhau. Số người Việt nam theo Công giáo thống kê lúc đó trên dưới khoảng 70 gia đình…Với con số ít ỏi như thế, vào những năm của đầu thập niên 90 họ đã cùng Linh mục Quản nhiệm Hà Đăng Thụy “chạy show Thánh lễ”. Chắc mọi người sẽ ngạc nhiên vì có từ ngữ này xuất hiện trong tôn giáo. Từ ngữ “chạy show” để ám chỉ cho những ca sĩ mà thôi. Nhưng sự thực, đoàn chiên đã cùng với Chúa chiên chạy show Thánh lễ, là vì họ không có được một ngôi Thánh đường, mà phải đi mướn nhà thờ của các Linh mục bản xứ để vội vàng cử hành Thánh lễ theo thời gian quy định. Nghĩ tới thời gian đó mới thấy những cái thiếu thốn tinh thần mà họ phải chịu.Đến giai đoạn quyết định cần phải có ngôi Thánh đường để làm nơi thờ phượng. Cha xứ Hà Đăng Thụy và giáo dân đã quyết định đóng góp trong vòng 3 năm, để có số tiền mua lại căn nhà thờ cũ của Mormon….Với 70 gia đình thật là chật vật và khó khăn, nhưng đã vượt qua. Đó là giai đoạn hành trình đức tin lần thứ nhất.Nếu cuộc sống cứ bình lặng…nhân số đừng tăng, và không có những nhu cầu đòi hỏi mỗi ngày một cấp bách trong chiều hướng giáo dục thanh thiếu niên. Thì sẽ không có hành trình đức tin lần thứ hai. Sau 8 năm, số người đã tăng thành ra nhu cầu đòi hỏi cần phải có nơi thờ phượng rộng rãi, và với cấp số nhân tín hữu đáng kể cộng với thế hệ thứ hai, thứ ba đang được thành hình. Cũng như đáp lại lời mời gọi của Linh mục Chánh xứ, một lần nữa mọi người Công giáo Việt nam lại chứng minh niềm tin của mình qua sự đóng góp để xây dựng và mở rộng lớn hơn.Theo thống kê hiện tại, có khoảng trên dưới 150 gia đình và với kinh phí khoảng 3 triệu, để tiến bước trên con đường hành trình lần thứ hai. Số tiền quá lớn cũng là vấn đề nan giải cho tất cả mọi tín hữu Công giáo Việt nam. Nhưng với truyền thống sẵn có, cùng với sự hướng dẫn của Linh mục Chánh xứ, nên tất cả đã vượt qua những khó khăn để đạt được nhu cầu và mục đích của ngày hôm nay…Tinh thần hy sinh, quả cảm đã được chính các báo chí tại bản xứ ca ngợi cũng như các cấp chính quyền đạo đời đều ngạc nhiên, khâm phục.Thành công của mọi người là xây dựng được Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhưng cũng chưa phải là hết mối lo âu của Linh mục Chánh xứ đối với tất cả mọi tín hữu. Vì xây dựng thì dễ, nhưng bảo vệ và phát triển trong tương lai mới là điều khó khăn…Nhất là phát triển đạo đức và trí dục, cũng như văn hóa Việt nam cho những người con của thế hệ thứ hai và thứ ba, những con người đã và đang hội nhập vào cuộc sống tại Hoa Kỳ… Theo sự suy tư của Linh mục Hà Đang Thụy mà người viết được biết, hiện tại Linh mục rất là lo lắng cho tương lai tuổi trẻ, nên tất cả những bài giảng trong Thánh lễ của ngày Chúa nhật. Linh mục đều hướng về người trẻ và tương lai của các gia đình tại giáo xứ .Bảo tồn văn hóa, đó là chủ trương và quan điểm hàng đầu mà hàng Giáo phẩm Việt nam tại Hải ngoại quan tâm. Người Công giáo Việt nam tại đây cũng đã và đang bảo tồn văn hóa Việt nam cho con em của mình. Nhưng muốn được bảo tồn văn hóa phải có địa điểm cũng như sự hy sinh của mọi người . Ngày nay là địa điểm Thánh đường đã xây dựng xong, và mỗi ngày thứ bảy là một ngày hội vui cho các em đến gặp gỡ và học việt ngữ. Bằng chứng điển hình là từ năm 1994 cho đến ngày hôm nay, có nhiều em chưa hề tiếp xúc với mặt chữ tiếng Việt bao giờ, nhưng sau 8 năm có Thánh đường riêng, và được sự hướng dẫn của Linh mục Chánh xứ, cũng như đòi hỏi sự hy sinh của các thiện nguyện viên trong giáo xứ. Mà các em đã hiểu, nói, đọc và viết được tiếng Việt nam. Đó là thành công mà chính Linh mục Chánh xứ hằng tâm sự với giáo dân trong mỗi Thánh lễ ngày Chúa nhật: “ Thành công của ngày hôm nay, là do sự hy sinh của các bậc Cha Mẹ đã đưa con cái của mình tới đây để học tập, đó cũng là sự hy sinh của các thầy cô giáo đã không quản ngại thời giờ để tới đây giảng dạy…Tất cả chúng ta hãy cám ơn nhau, vì không có lời cám ơn nào đẹp bằng trong lúc này. Cha Mẹ hãy cám ơn con cái, con cái hãy cám ơn Cha Mẹ và các thầy cô giáo…Cha con chúng ta hãy cám ơn lẫn nhau…” Cám ơn là hành động cao đẹp nhất mà người được nhận cần phải thốt lên. Người viết cũng xin mượn những dòng chữ này để cám ơn…Cám ơn nhau cùng hy sinh để có ngôi Thánh đường tham dự mỗi Thánh lễ ngày Chúa nhật. Cùng cám ơn nhau, vì nhờ có công sức và tiền của mỗi người chúng ta đóng góp, mà con em của chúng ta có địa điểm để được học tập ngôn ngữ Việt nam, hầu trong tương lai chúng còn hiểu và biết chúng là những người Việt nam…Cám ơn và cám ơn…Chấm dứt bài viết, xin mượn lời của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã nói với các nhà lãnh đạo Tôn Giáo và đồng bào tại vùng Orange và Okland ( C.A) cuối tháng 3 năm 1996 như sau:“Hai mươi năm trước đây, vì thất bại chúng ta phải bỏ nước ra đi. Bây giờ nhờ cần cù làm việc, chúng ta đã có tất cả: nhà cửa, xe cộ , tiền bạc. Nhưng nếu giới trẻ ở Hải ngoại không biết tiếng Việt, không biết lịch sử và yêu thương quê hương, thì kể như chúng ta sẽ thất bại lần nữa…”

Nào có ai trong chúng ta chấp nhận thất bại lần thứ hai không????

Trương Hải

Giáo dân đợi chờ gì nơi Linh Mục



Giáo dân Việt Nam rất quí trọng linh mục. Lòng quí trọng này vừa là một lợi điểm lại vừa là một nguy cơ. Là lợi điểm vì giúp cho linh mục cảm thấy mình cần thiết và có ích. Từ chỗ này, linh mục cũng cảm thấy ít bị cô đơn. Là nguy cơ, vì lòng quí trọng ấy có thể làm cớ cho linh mục ỷ y mà tôn mình lên, coi thường thiên hạ, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước. Vì thế, lòng quí trọng này nên đươc coi là một ơn riêng Chúa dành cho hàng ngũ linh mục Việt Nam, để nhờ đó các vị được an vui và phấn khởi trong chức vu. Vậy, với lòng quí trọng này, giáo dân đợi chờ gì nơi linh mục ?
1. Người của Chúa:
Từ xưa và bây giờ cũng thế, giáo dân được nghe nói linh mục là một Đức Ki-tô khác, nhất là trong các lễ mở tay (mà bây giờ gọi là lễ tạ ơn sau ngày chịu chức.) Chức linh mục được đề cao và đưa lên đến tận tầng mây. Do sự đề cao quá đáng quyền chức này mà linh mục cũng dễ bị cám dỗ tôn mình lên, nhất là trong ngày chịu chức, khi người ta đến xin phép lành đầu tay hay ngỏ lời chúc mừng. Thời trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, người ta thường đến quì trước tân linh mục để hôn tay và xin phép lành. Hồi đầu tháng Mười Hai năm 2004, tại lễ truyển chức linh mục ở Đài Bắc cho mười một phó tế, nhiều người cũng đã làm như thế. Đây là một cử chỉ đầy lòng tin và sự khiêm nhường. Cử chỉ này có thể làm cho tân linh mục xúc động và tăng thêm lòng tạ ơn Thiên Chúa. Có lẽ vì coi linh mục như một Ki-tô khác nên người ta mới có những cử chỉ như thế, và qua đó linh mục phải hiểu rằng giáo dân muốn linh mục là người của Chúa Giê-su và đồng hóa với Người về lòng nhân ái và tinh thần phục vụ. Trong cuộc đời truyền đạo, Chúa Giê-su luôn gần gũi tiếp xúc với người ta và tìm cách làm ơn cho họ. Giáo dân cũng đợi chờ nơi linh mục đức tính này là dễ gặp, dễ nhờ. Vì đức tính này mà linh mục được định nghĩa rất sâu sắc và thâm thuý là con người “được ăn” hay “bị ăn” (Le prêtre est un homme mangé). Kiểu nói này là của một linh mục người Pháp, cha Chevrier, người lập ra hội Linh mục Prado.Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi có mặt ở nhà, mọi việc giao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không gặp được. Lại có những cha sở tuy gặp được, nhưng giáo dân rất sợ vì tính lạnh lùng và hay bẳn gắt của cha. Bởi vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là hoạ lại hình ảnh Chúa Giê-su trong cách hành xử, nói năng và tiếp xúc.
2. Thi hành đúng chức năng:
Nói về việc linh mục thi hành đúng chức năng, Đức Giáo hoàng Ghê-go-ri-ô Cả có một bài giảng rất sâu sắc thấm thía. Đại ý ngài than phiền là có nhiều linh mục, nhưng rất ít linh mục chịu làm việc theo chức năng của mình hay có làm thì lại làm những việc ở bên ngoài chứ không phải việc bên trong. Việc chính yếu của linh mục là rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích, giáo dục đức tin và lo phần rỗi cho các tín hữu. Những việc này phải làm trước rồi mới đến những việc khác như xây cất, mở mang cơ sở, hoạt động xã hội, phát triển dân sinh v.v… Ở Việt Nam, cha sở có một vị trí xã hội tốt, nói thì dân dễ nghe và người ta cũng hay nhờ thế cha sở để làm công kia việc nọ. Vì thế, cha sở cũng dễ bị cám dỗ trở thành một nhân vật ngoài đời để có thế ăn nói với người ta. Điều này có thể đưa linh mục đi ra khỏi phạm vi chức vụ chính thức của mình. Linh mục không phải là quan. Vậy, phải coi chừng với tính thích làm quan tự nhiên của mình mà luôn nhớ rằng linh mục chính yếu là người phục vụ lời Chúa và Tin Mừng của Người.Tuy nhiên, nếu linh mục chỉ biết có phòng thánh, nhà thờ và nhà xứ của mình thì cũng không đủ. Mà nếu chỉ lo những công việc ở bên ngoài phạm vi phòng thánh, nhà thờ, nhà xứ thì cũng không được nữa. Vậy phải theo một bậc thang giá trị mà dành ưu tiên cho những việc thuộc bổn phận linh mục. Mà bổn phận đó là làm lễ, giải tội, giảng thuyết, đi kẻ liệt, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật. Một linh mục, nếu làm đầy đủ bổn phận của mình thì chẳng còn thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu. Mà nếu có rảnh rỗi thì cũng nên dành thời giờ để học hành đọc sách vở thêm. Làm linh mục rồi nhưng vẫn còn phải học, ít là học cho biết viết bài giảng và giảng thế nào cho người ta nghe được. Soạn và viết bài giảng là một trong những hy sinh hãm mình của linh mục bên cạnh việc giải tội và “đi kẻ liệt”. Thường sau khi làm linh mục rồi, ít ai còn thích hay tiếp tục làm việc tinh thần. Vì vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là lo cho có giờ để làm việc tinh thần mỗi ngày, ít là để soạn bài giảng, không dài quá, không chạy theo thời sự mà chú trọng vào ý nghĩa lời Chúa, không khuyên lơn hời hợt mà mở lối cho những áp dụng thiết thực, cũng không chiều theo thị hiếu của người nghe mà chú tâm vào việc giáo dục đức tin và đem lại cho người ta một cái gì có chất lượng. Muốn vậy phải tiếp tục học và tìm tòi suy nghĩ.Một điều nữa cũng nên lưu ý là đồng bào chúng ta thích sự hào nhoáng và hình thức bên ngoài. Người ta thích vui, thích dễ, thích ồn ào. Về điểm này, phải giữ chừng mực. Nếu chiều theo khuynh hướng này thì linh mục cũng dễ trở thành hời hợt nông cạn.
3. Tác phong đích đáng:
Giáo dân muốn linh mục có tác phong đích đáng trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử. Ngày nay linh mục thường ăn mặc như người đời. Ăn mặc như người ta có cái lợi là dễ hoà đồng, thoải mái, nhưng có cái bất lợi là có thể làm cho linh mục quên danh tính của mình mà không còn giữ gìn hay ít giữ gìn trong lời ăn tiếng nói, trong cách ăn mặc và cư xử với người ta nữa. Tất nhiên, “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng thày tu phải làm cho cái áo của mình có vẻ gì là tu chứ. Vì vậy, tuy ăn mặc như người đời, nhưng linh mục vẫn phải giữ cho mình cái cốt cách là linh mục. Cốt cách đó là phải ăn mặc đơn sơ xứng đáng với con người được học hành, có chữ nghĩa và có văn hoá, không chải chuốt quá đáng mà cũng không lôi thôi xười xĩnh trong cách ăn mặc, bừa bãi trong lối nói năng. Nhiều giáo dân lấy làm ái ngại cho những linh mục áo quần luộm thuộm, đầu tóc bù xù, nói năng bừa bãi. Mới đây có dư luận cho rằng nhiều linh mục trẻ sau 1975 thiếu nhân bản trong cách hành xử. Dư luận này đáng cho các linh mục lưu ý vì có liên quan đến ảnh hưởng và uy tín của các vị trong vấn đề làm chứng cho Chúa và cho đạo.
4. Thận trọng trong vấn đề vật chất:
Vật chất ở đây là tiền bạc, của cải, đất đai nhà ở, đồ dùng cá nhân. Các linh mục phần đông không để ý đến vấn đề này bao nhiêu, nhưng giáo dân rất để ý. Người ta vẫn thích những linh mục nào không lo làm giầu hay tìm kiếm cho mình hoặc bà con họ hàng mình của cải vật chất. Họ còn nể trọng những linh mục sống đơn sơ giản dị, không xa hoa trong cách ăn mặc và biết sử dụng bạc tiền một cách đích đáng. Bình thường linh mục nào cũng muốn có một cái máy vi tính, một chiếc xe gắn máy tốt, một máy ảnh kỹ thuật số hảo hạng, một căn phòng đầy đủ tiện nghi, càng sang càng cho là có giá trước mặt người đời. Khuynh hướng này khá mạnh và hiện ra rõ nét nơi nhiều linh mục thuộc thế hệ mới. Đó là kiểu cách tự nhiên theo thói đời. Nhưng linh mục là người đã chọn theo Chúa chứ không theo đời. Lý tưởng là thế nhưng thực tế lại không như vậy. Thành ra linh mục luôn ở trong thế giằng co căng thẳng. Có người hỏi tại sao ít người vào đạo công giáo, trong khi đạo có tổ chức, kỷ luật, nhiều nhà thờ đẹp đẽ, nhiều cơ sở to lớn và các lễ nghi rất tưng bừng lôi cuốn. Chắc có nhiều lý do mà một trong lý do là tại giới linh mục chúng ta xa cách.Chúng ta xa giáo dân và những người ngoài đạo, lại cách biệt nữa. Sự xa cách đó là do lối giao thiệp và đời sống của chúng ta. Về cách giao thiệp thì có thể vì chúng ta quá bận việc nên không có thời giờ và cơ hội tiếp xúc. Còn về đời sống thì chúng ta cách họ, vì dù sao, nói chung, đời sống của chúng ta vẫn cao hơn phần đông đời sống của ho. Vì thế, về phía chúng ta, xem ra chúng ta ít có dịp và ít có thời giờ; về phía họ, họ ngại và sợ gặp chúng ta. Thực ra, khi người ta không ở cùng một mức độ như nhau, thì cũng khó gặp gỡ và chuyện trò với nhau lắm, trừ ra khi hai bên đều cố gắng để xích lại gần nhau.Về sự gặp gỡ, giáo dân muốn chúng ta để ý đến những nghèo và ít học. Người ta đã phê bình và còn phê bình những linh mục nào chỉ chơi với người giầu và có học, còn người nghèo hay ít học, có đến gặp thì thường chỉ được tiếp đãi một cách hết sức qua loa hay lạnh nhạt.Nói chung, giáo dân còn đợi chờ ở linh mục nhiều lắm, nhưng đại khái trên đây là những điều chờ đợi chính yếu và có thể tóm tắt là nếu hỏi giáo đợi chờ gì nơi linh mục, chúng ta có thể trả lời rằng giáo dân đợi chờ chúng ta :trở thành người của Chúa * lo làm nên những công việc thuộc đấng bậc mình * ăn ở cho đúng với chức vụ của mình * thận trọng trong việc việc sử dụng của cải vật chất Làm được bấy nhiêu thì kể là linh mục đã đáp ứng được những đòi hỏi chính yếu của giáo dân rồi vậy.
LM Anrê Đỗ Xuân Quế