Mỹ du ký phần 6




Grand Century Mall



6. Món ăn Việt trên đất Mỹ





Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay San Francisco, gần giờ trưa, các bạn đưa chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng trước khu Grand Century, San Jose, một trung tâm thương mại của người Việt mới xây dựng. Chúng tôi cũng được dẫn đảo qua một vòng cho biết. Bên trong có nhiều cửa hàng bán đủ mọi thứ từ quần áo, mỹ phẩm, nữ trang, tạp hóa, sách báo…, nhiều nhất là các cửa hàng ăn, phần lớn lấy tên theo các tiệm ăn nổi tiếng của Sài Gòn ngày xưa. Phía trước quán café Paloma có chỗ ngồi ngoài trời, thiên hạ tha hồ hút thuốc lá, vứt tàn bừa bãi. Đoạn đường trước khu này cách đây không lâu đã làm dấy lên sự tranh cãi dữ dội trong cộng đồng về chuyện đặt tên Little Saigon hay tên khác, liên quan đến cô nghị viên Madison Nguyễn.



Bữa ăn đầu tiên này các bạn lại cho ăn món… Tàu. Có lẽ vì khá đông người, có nam có nữ, có già có trẻ, “bá nhân bá bao tử”. Cái gọi là “điểm xấm” của Tàu này gồm hàng trăm món, linh tinh lục cục. Nhiều người phục vụ lần lượt đẩy đến các xe nhỏ, mỗi xe hàng chục món, tha hồ chọn. Chúng tôi không hợp khẩu vị với các món Tàu vì quá nhiều dầu mỡ, ăn rất ngán, lại đang mệt sau chuyến bay gần 20 giờ, nên chỉ ăn được chút chút, cốt là làm quen, cùng vui trò chuyện với các bạn trong lần đầu gặp mặt. Vài người uống bia, nhưng mỗi người một chai thôi. Ăn xong khi thanh toán tiền, ai cũng rút ví góp vào “theo kiểu Mỹ” (?). Chuyện này thật khác với trong nước. Khi nhậu người ta tha hồ cụng ly “dô dô” và gọi bia, hết két này sang két khác. Thanh toán thì “khổ chủ” mời phải trả, nên một bữa nhậu hơi đông 5-7 người, phải chi 5-7 trăm ngàn hay bạc triệu là chuyện thường, thật vô cùng lãng phí.



Cái “văn hóa ăn uống” ở Mỹ này đúng là điểm son. Sau này được mời dự nhiều cuộc ăn uống, ngay khi ở nhà, chúng tôi thấy mọi người đều uống rất chừng mực, thường là uống bia hay rượu vang, ít uống rượu mạnh. Nếu ai uống nhiều phải có vợ đi theo để … lái xe về, vì có hơi bia rượu mà cầm lái thì dễ mất bằng lái, vào tù như chơi. Còn không thì phải ngủ lại hay nhờ bạn khác không uống rượu đưa về. Dân Việt Nam vốn “bạt mạng” trong chuyện này nhưng qua Mỹ cũng phải “nhập gia tùy tục” và dần trở thành một nếp văn hóa sống. Thỉnh thoảng cũng có người xé rào, nhưng phải lo lái xe chạy về nhà trước khi rượu ngấm hay lúc đêm khuya vắng vẻ, ít xe xộ.



Anh chàng nhà báo thường tự xưng là “thượng dân”, thấy chúng tôi ở Đà Lạt qua, dù sao cũng là miền núi, nên nhận đại là họ hàng “đồng bào thiểu số”. Mấy lần mời đi ăn, cùng với các bạn khác, đều hẹn đến quán Cao Nguyên, hình như ở vùng Evergreen của San Jose. Gởi mail mời đi “nhậu” mà bao giờ cũng thông báo trước thực đơn gồm các món gì. Đúng là người “sắc tộc” nên thật thà, có sao nói vậy. Nhưng cái tiệm Cao Nguyên này, tuy có cái bục cao cao giữa nhà, thực đơn cũng tương tự như các tiệm khác của người bình nguyên. Cũng gà chiên bơ, gỏi tôm, sườn xào chua ngọt, các loại cá, lẩu hải sản… gì gì nữa tôi quên rồi. Hình như có món đặc biệt là heo giả cầy.



Các bạn hay cho chúng tôi ăn món Việt Nam, thường nhất là phở và bún bò, được coi như “quốc hồn quốc túy”. Trước khi nói đến chất lượng, điều ấn tượng nhất là chuyện “tô lớn, tô nhỏ”. Mới đầu chỉ với một tô nhỏ, tôi không thể nào ăn hết một nửa. Đến tô lớn, có nơi to bằng cái thau (như chỗ Phở Xe Lửa), e rằng tôi phải bơi trong đó. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, yêu cầu là hai người chúng tôi chỉ gọi, ăn chung một tô nhỏ thôi. Các bạn nhất định không chịu, nói làm thế “Mỹ nó cười cho”. Có người còn “bất kể nguyện vọng” của chúng tôi, cứ kêu cho mỗi người một tô lớn, đành cố hết sức, nhưng phải bỏ lại rất nhiều. Ấy thế mà nhiều người ở lâu bên đó đã quen, “làm” một tô lớn có khi vẫn còn chưa đủ.



Thành phần các món trong phở, bún bò đều đủ các thứ, không khác gì Việt Nam. Thịt bò đương nhiên là nhiều và mềm, cũng có đủ tái, nạm, gầu, gân…Giò heo thì cỡ đại (heo Mỹ mà), có cả tiết. Rau ăn ghém và gia vị không thiếu gì: Xà lách, rau thơm, rau húng, bắp chuối, chanh, ớt trái, ớt sa tế, nước mắm, hành, tỏi…Nói chung không khác gì ở Việt Nam. Chỉ có bánh phở và bún hình như không phải là kiểu “tươi” mới lấy trong lò ra như ở trong nước mà là phở, bún khô đem nhúng nước sôi. Cộng với các thứ nguyên liệu chính đều là sản phẩm của Mỹ, nên nói chung là “có mùi Mỹ”, ăn cũng ngon nhưng không giống lắm hương vị phở, bún bò ở quê nhà.



Cho đến nay, phở đã trở thành một món ăn “thương hiệu Việt” được người Mỹ ưa chuộng. Các khu phố người Việt đều có nhiều tiệm phở, ngay các khu phố người Mỹ cũng có nơi có. Một số tiệm có chi nhánh ở nhiều tiểu bang với hàng chục cửa hàng. Chúng tôi đã thấy vài tiệm phở toàn là khách ăn người Mỹ và đến giờ trưa, khách đến đông phải xếp hàng chờ lấy chỗ. Một ông chủ tiệm phở nói với tôi tiệm của ông được cơ quan phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm định, đánh giá tốt, đầy đủ chất bổ dưỡng, không có thành phần gì có hại cho sức khỏe, nên khách Mỹ rất tín nhiệm. Phần khác, món phở Việt Nam đối với người Mỹ ăn lạ miệng, nóng, nhiều rau, lại giá rẻ nên trong thời buổi kinh tế suy thoái dân Mỹ “khoái” là phải.



Một số tiệm chuyên bán các món bánh Huế như bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít. Lá chuối gói bánh nậm, bộc lọc hình như được nhập từ Mễ (?). Những thứ rất tầm thường, dễ kiếm trong nước nhưng ở Mỹ đôi khi khó tìm. Hiện nay một số tiệm chuyên sản xuất loại bánh này để bán cho khách mang về nhà. Nhà nào muốn ăn chỉ việc ra mua về bỏ vào lò vi ba hâm lại là xong. Bánh chưng, bánh tét, bánh giò cũng được làm như thế và bán thường xuyên trong các tiệm bán thức ăn của người Việt. Lại còn các loại xôi như xôi vò, xôi gấc, xôi đậu và khoai mì, khoai lang luộc đều được nấu sẵn, cho vào hộp ni lông sạch sẽ, rất tiện cho các buổi đi chơi xa.



Đó là các món ăn chơi dễ làm. Một số món phức tạp như cơm hến Huế, bánh đúc Bắc, các gia đình có người sành vẫn làm được. Chúng tôi đã được hai gia đình người Huế và người Bắc chính gốc đãi ăn hai món “đặc sản” này. Tưởng là tầm thường, ai ngờ làm quá công phu, nhìn thấy sốt ruột và ái ngại cho chủ nhà quá. Hai vợ chồng làm quần quật suốt một buổi sáng mới ra được “thành phẩm” để đãi khách vì có quá nhiều “công đoạn”. Có người vừa làm vừa tra cứu sách vì thỉnh thoảng mới làm nên họ cũng quên. Có thể đây cũng là cách để họ hoài nhớ quê hương.



Các bạn đã đưa chúng tôi đến nhiều quán ăn Việt ở các khu Việt Nam như Bolsa, Brookhurst ở Little Saigon, Nam Cali; Story ở San Jose; Saigon Plaza ở Houston, Texas; Eden ở Virginia... Trừ một số ít nhà hàng rộng đến gần cả ngàn mét vuông, có thể tổ chức đám cưới hay phục vụ cùng lúc hàng trăm thực khách, các tiệm ăn này không lớn và sang trọng nhưng đều sạch sẽ, lịch sự. Các người phục vụ thường là người Việt, đôi khi cũng có người Mễ. Một chi tiết nhỏ cũng hơi đặc biệt là các hiệu ăn Việt Nam đều có tăm xỉa răng nhưng không để ở bàn mà để ở quầy, ai cần tự động lên lấy. Chắc chỉ có dân Việt có thói quen xỉa răng nhiều hơn các dân tộc khác.



Một món kể cũng đặc biệt Việt Nam là món bánh mì thịt. Vỏ bánh mì giòn, bên trong có phết bơ, pa tê, thịt… hay xíu mại, tưới nước xốt, thêm nhiều đồ chua và lá ngò tươi, đối với nhiều người có lẽ ăn ngon hơn hamburger của Mỹ. Bánh mì Lee của một người Việt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và được sử dụng phục vụ cho khách trên chuyến xe đò Hoàng chạy Nam – Bắc Cali.



Dù ở Mỹ lâu năm, nhiều gia đình vẫn ăn cơm theo kiểu Việt Nam, chỉ trừ khi có lễ lạc hay mời bạn bè, người ta mới làm các món ăn theo kiểu Mỹ, đặc biệt là món nướng barbecue mà nhà nào cũng có lò nướng để sẵn ngoài sân. Ăn cơm gia đình, như ở nhà anh bạn chúng tôi đang ở, có đủ mọi món bình thường của người Việt. Món canh có canh bí đỏ, bí đao, bầu, mướp ngọt, mướp đắng, tần ô, các loại cá… Món mặn có thịt, cá kho (cá bống, cá cơm kho tộ, kho tiêu)… Rau luộc không thiếu rau dền, rau muống, rau lang… (Riêng rau muống, tôi nghe có người kể chuyện, ban đầu một số người Việt thấy trồng rau muống bán được tiền, nhiều người thi nhau trồng ở các ao hồ công cộng, sau đó bị dân Mỹ kiện, phải thu hẹp vào các mảnh đất riêng). Các loại gia vị như nước mắm, xì dầu, tiêu, tương ớt hay các loại mắm như mắm tôm, mắm ruốc, mắm cái; các thứ ăn ghém như giá, dưa giá, cà pháo, đồ chua ngâm giấm đều có cả ( làm giá sống cũng là một công việc làm ăn của người Việt ở Mỹ và nhiều nước khác). Tuy nhiên có lẽ những người lớn tuổi thích ăn món Việt, còn bọn trẻ lại khoái đồ Mỹ. Nơi nhà anh bạn chúng tôi ở, cậu con trai không ăn chung với gia đình mà lúc đói tự làm món Mỹ có sẵn trong tủ lạnh.



Ngoài những trái cây của Mỹ như nho, táo, cam, mơ, đào…, các loại trái cây dân Việt thường ăn như chuối, xoài, ổi, nhãn… ở Mỹ đều có nhưng là sản phẩm của các nước khác. Chuối, xoài rất nhiều, phần lớn nhập từ Mễ. Trái cây bày bán ở siêu thụ trông rất bắt mắt, độ lớn và độ chín đều tăm tắp, mới trông giống như đồ giả bằng nhựa nhưng hương vị ăn vào không đậm đà như trái cây Việt Nam. Ổi, mít giá đắt kinh khủng. Ăn được một trái mít ở Mỹ quả là kỳ công nhưng chị bạn chủ nhà của tôi vẫn thỉnh thoảng mua về đãi khách. Có một số chị nói chỉ thích về Việt Nam vào mùa hè để ăn trái cây cho thỏa thích. Đó cũng là một khía cạnh của lòng hoài hương.



Một anh bạn ở Sacramento dẫn tôi đi khoe vườn trồng các thứ cây gia vị lấy giống từ Việt Nam. Vườn nhỏ thôi nhưng hầu như không thiếu thứ gì: rau răm, rau thơm, húng, tía tô, dắp cá, ớt… trồng từng khoảnh riêng được chăm bón cẩn thận và là niềm tự hào của anh. Khách nào thích anh thường hái tặng vì hương vị rất đậm đà, khác hẳn các loại rau này bán ở siêu thị, không biết xuất xứ từ đâu, lá lớn, xanh mướt nhưng không nồng nàn bằng. Nhiều người trồng cây ăn trái ở nhà cho ….vui. Chanh rụng đầy không hái hay để già thành to lớn, sần sùi như quả bười, hồng (trái) sóc ăn nhiều hơn người. Có lần chúng tôi đi dạo trong một công viên nhỏ ở Milpitas gần San Jose, sát với hàng rào nhà ở, một ông cụ người Việt mới hái một trái bí to trong vườn, thấy chúng tôi, gọi lại biếu. Cụ có vẻ rất sung sướng vì đã tặng cho đồng hương một sản phẩm từ bàn tay chăm bón của mình.



Nói đến món ăn, có lẽ cũng nên nhắc đến món uống. Thứ món uống phổ thông nhất của người Việt là trà, café. Trà có nhiều nhưng phần lớn là trà tàu, các thương hiệu trà Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trên đất Mỹ. Với café, sự khác biệt ngoài hương vị là cách pha chế. Thương hiệu Starbucks nổi tiếng nhất nước Mỹ, pha chế bằng máy, ở đâu cũng có nhưng chúng tôi không thể thưởng thức được. Một ly café lớn tôi uống cả ngày không hết, vừa nhiều vừa nhạt. Starbucks có rất nhiều loại café, kể cả các loại trộn kem, thích hợp cho phụ nữ. Có loại espresso chế ra một chút xíu, đậm đặc như keo, nhấp môi vào là tim nhảy thình thịch, uống cũng không thú. Người Việt đã quen lối pha café phin kiểu tây nhỏ giọt. Các quán café và quán ăn của người Việt thường có café đen, sữa, nóng hay đá pha theo kiểu Việt Nam, có nơi rất ngon. Một lần người quen dẫn chúng tôi đến quán M và Tôi ở San Jose, thấy dân báo chí và những kẻ vô công rồi nghề tha hồ ngồi nhâm nhi café , phì phèo thuốc lá tán dóc hay xem tivi cá cược bóng đá giữa mấy cô tiếp viên mặc quần áo “hơi nghèo” lượn lờ. Nhân tiện cũng nói luôn có lần chúng tôi được dẫn vào quán café Quyên trên đường Story, San Jose, mấy cô tiếp viên “quá nghèo”, chỉ mặc bikini hai mảnh nhỏ xíu. Còn quán Em Quyên gần đó, các cô chỉ “cận nghèo”, có quần áo nhưng hơi thiếu vải. Đừng nói là người Việt ở Mỹ “không nghèo” nhé, dù các cô này chân dài và rất xinh.



Ngoài các món ăn Việt, thỉnh thoảng các bạn cũng đưa chúng tôi đi ăn món ăn các nước khác cho biết. Nhà hàng Mỹ ở Union City, Cali hay tiệm Real Steak ở Virginia. Món ăn Pháp ở tiệm La Madeleine – Country French Cafe với cách bài trí theo kiểu nhà nông thôn với kềm búa, cưa, bánh xe bò treo trên tường ở Virginia. Món ăn Ý ở nhà hàng Olive Garden (Italian Restaurant) South Carolina và một nhà hàng ở Virginia. Món ăn Tàu trong các khu phố Tàu ở Seattle, San Jose, New York (khu phố Tàu ở New York có một công viên bẩn kinh khủng, đứng trấn giữ bởi tượng của một ông quan Tàu, hình như là Viên thế Khải, nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi, chuột cống chạy tứ tung và ăn mày nằm la liệt). Món ăn Nhật ở Las Vegas. Món ăn Mễ ở các trạm nghỉ chân có cây xăng trên đường từ Wesminster đi Las Vegas. Món ăn Thái gần với Việt Nam, dễ ăn nhất và tiệm của họ rất lịch sự, như Krungthai, Authentic Thai Cuisine, trình bày trang nhã với các phù điêu, tranh tượng đặc trưng của xứ sở. Ngày cuối trước khi rời Mỹ, mấy bạn mời chúng tôi đi ăn món Hi Lạp, chả hiểu là món gì. Cũng may là các nhà hàng này đều có thực đơn in hình các món ăn, nếu nhìn vào thấy không “kinh khủng” lắm thì chỉ đại là được. Các bạn còn đưa đi ăn buffet của Mỹ, Nhật, Tàu nhưng đối với chúng tôi quả thật phí tiền vì ăn không nổi, nhất là với các món hải sản cua tôm càng que rất lớn, lấy từ trong tủ lạnh ra lạnh ngắt như ma, bì sao được với tôm hấp bia, cua rang me, cua rang muối bốc khói ngay ở các quán bình dân như quán Tư Ốc đường Ung Văn Khiêm, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn.



Sau sáu tháng ở Mỹ, hình như chúng tôi chỉ lên cân được vài pound, nhìn qua vẫn ốm yếu như xưa. Có bạn “tức giận” bảo: “Sao ông bà không chịu ăn nhiều cho mập lên. Đi Mỹ về mà như thế người ta sẽ cho “đế quốc Mỹ” không nuôi nổi ông bà hay sao?” Đành phụ lòng các bạn thôi. Chúng tôi vốn thuộc tạng người gầy, lại khá cao. “Triết lý ăn uống” của chúng tôi là không bao giờ ăn no, chỉ ăn vào một nửa đến hai phần ba bao tử thôi. Gần một đời người ăn uống “thuần Việt” nên khó tiếp nhận những khẩu vị mới. Mặt khác biết đâu cũng vì vậy mà chúng tôi có thể chứng tỏ không bị “bơ sữa của đế quốc Mỹ” mua chuộc?!





( xem tiếp phần 6 )