Mỹ du ký phần 1



Bến Thành

1. Tại sao tôi “được” đi Mỹ đi và như thế nào?



Khoảng đầu quý 4 năm 2008, một người bạn ở Mỹ, Nguyễn Khoa Thái Anh mail hỏi tôi: Anh có muốn đi Mỹ một chuyến không? Tôi trả lời, đi cũng tốt mà không đi cũng chẳng sao. Bởi gần cả đời tôi chưa hề có dịp ra khỏi đất nước và không có phương tiện gì để ra đi. Hơn nữa với những người mang danh “bất đồng chính kiến” như tôi càng khó có cơ hội để đi, trong khi ở thời kỳ này khối kẻ đi ra nước ngoài như đi chợ.



Ít lâu sau, Thái Anh mail tiếp cho tôi, nói một số bạn ở Mỹ đã đồng ý mời tôi đi, trong đó có nhiều người ở trong ban biên tập trang web Danchimviet.com như Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Ngọc Trang, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Hữu Liêm, trong số này tôi chỉ gặp Thái Anh đôi lần ở Việt Nam khi anh về nước thăm gia đình. Tôi yêu cầu các bạn nhân danh cá nhân để mời chứ không phải ban biên tập Danchimviet. Để dễ xin visa, các bạn sẽ nhờ Nguyễn Hữu Liêm lấy danh nghĩa giáo sư đại học của San Jose City College mời tôi, với tư cách một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp anh dạy. Đó là một đề tài về chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến bài giảng về triết học khóa mùa xuân 2009. Sau đó tôi đã xác định lại chủ đề buổi nói chuyện của tôi với sinh viên là “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam, từ triết lý đến hiện thực: Sự lựa chọn dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”.



Tôi đề nghị các bạn mời cả vợ tôi cùng đi. Các bạn đồng ý nhưng chỉ lo được cho chúng tôi một vé máy bay, vé còn lại chúng tôi phải tự lo. Sau đó một người bạn khác của chúng tôi ở Mỹ đã giúp việc này. Việc ăn ở, đi lại bên Mỹ các bạn sẽ lo cho chúng tôi hoàn toàn. Ít lâu sau, khoảng tháng 10/2008, tôi nhận được giấy mời của Nguyễn Hữu Liêm. Có giấy mời rồi, tôi để đó không làm gì cả vì tôi nghĩ còn lâu mới đến ngày đi và tôi đang có mấy việc quan trọng của gia đình phải lo.



Sau Tết, chúng tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn để tìm hiểu chuyện đi Mỹ. Có hai việc cần thiết phải giải quyết : Xin visa vào Mỹ và thăm dò thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam.



Chúng tôi đến một công ty dịch vụ du lịch hỏi về thủ tục giấy tờ đi Mỹ. Họ nói sẽ giúp làm nhưng rất ít hi vọng vì theo kinh nghiệm của họ, lần đầu tiên cả hai vợ chồng cùng xin đi thì có đến 99% trường hợp bị từ chối. Chúng tôi nghe cũng hơi nản. Sau đó một người bạn khuyên tôi nên báo cho Tổng Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn về việc chúng tôi có giấy mời để thăm dò. Có lời khuyên này vì năm trước Tổng Lãnh sự Mỹ đã từng gặp tôi khi lên thăm “nhóm Dalat” để tìm hiểu quan điểm của chúng tôi đối với tình hình đất nước. Trong dịp này, ông đã cho chúng tôi địa chỉ email. Tôi theo lời khuyên này.



Thật bất ngờ, chỉ 15 phút sau khi gởi mail, Tổng Lãnh sự Mỹ cho người gọi điện thoại cho tôi ngay. Tòa Lãnh sự hứa sẽ cử người gặp chúng tôi để giúp làm thủ tục. Vậy là chỉ sau 3 ngày chúng tôi đã có visa trong tay, không qua phỏng vấn, không cần chứng minh tài sản. Visa của chúng tôi thuộc loại Multiple Entry, có thể vào ra nước Mỹ nhiều lần trong vòng một năm. Hình như từ trước ở đây ít ai xin visa nhanh và dễ dàng như thế.



Vậy là qua một cửa ải. Cửa ải thứ hai là công an của nhà nước Việt Nam và đây mới là việc phức tạp. Chúng tôi phải thăm dò trước vì chúng tôi biết dù đã có passport, visa, vé máy bay nhưng đến phi trường vẫn có thể bị chặn lại. Chúng tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Một người quen có mối quan hệ với công an đã làm giúp việc này và được người có thẩm quyền trả lời chuyện chúng tôi đi Mỹ không có gì trở ngại nhưng trước khi đi cần phải gặp họ.



Sau đó công an chủ động mời tôi gặp mặt hai lần. Họ gặp nói chuyện theo kiểu rất nhẹ nhàng, lịch sự như bạn bè gặp nhau trước khi đi xa. Họ nói kiểu “làm việc” đối với chúng tôi ngày trước là trong “thời kỳ quá độ” thôi. Ngày nay công an đã “tiến bộ” rất nhiều rồi. Tôi chẳng ngại và chẳng lạ gì cách làm việc của công an. Chúng tôi đã “làm việc” với họ cả trăm lần trong suốt hơn 10 năm qua, khi “lên bộ”, khi “xuống phường”, khi ở cơ quan, lúc ở quán café, lúc gay gắt, lúc nhẹ nhàng, tùy thời điểm, sự việc và mục đích của họ.



Hai lần gặp này công an đặt vấn đề: Họ có thể không cho chúng tôi đi dù chúng tôi đã có passport, visa vì Bộ Công an có quyền không cho nếu chúng tôi vi phạm điều gì đó. (Đúng như chúng tôi nghĩ, “vi phạm” có thể là chuyện hình sự, trốn thuế hay liên quan đến an ninh quốc gia…, muốn là có ngay, chẳng khó gì cả.) Tuy nhiên, nếu không cho đi, chúng tôi càng nổi tiếng và nhà nước lại mang tiếng là vi phạm nhân quyền. Vả lại chính sách của nhà nước bây giờ đã khác, thông thoáng hơn trước. Họ nói biết rõ chúng tôi chưa đi nhưng các hội đoàn chính trị ở ngoài đã sẵn sàng đón tiếp và mong chúng tôi khi qua Mỹ sẽ không làm gì, tuyên bố gì “có hại cho đất nước” và không bị lợi dụng hay gài bẫy. Họ còn nói thêm nếu chuyến đi của tôi không có vấn đề gì thì các bạn khác trong “nhóm Dalat” cũng có thể tiếp tục đi.



Chúng tôi đã suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các bạn trong “nhóm Dalat” về vấn đề này trước khi gặp công an. Đúng là một chuyến đi rất phức tạp chứ không phải chuyến đi bình thường của mọi người. Đi để trở về chứ không phải đi luôn để tị nạn chính trị. Tôi nói với công an: Từ hơn 20 năm qua, chúng tôi đã là những người bất đồng chính kiến và nhà nước cũng công nhận như thế. Vậy thì dù ở trong nước hay ra nước ngoài, chúng tôi luôn giữ quan điểm độc lập của mình. Chúng tôi có thể gặp bất cứ ai, nói bất cứ chuyện gì nhưng mục đích của chúng tôi là đi thăm nước Mỹ và bạn bè nên chúng tôi sẽ không tiếp xúc với các tổ chức chính trị mà chỉ gặp gỡ mọi người với tính cách cá nhân và sẽ không công khai tuyên bố, trả lời phỏng vấn trên đài, báo. Những điều cần nói, chúng tôi đã nói trong các tác phẩm và hàng trăm bài viết của mình trên Internet. Chúng tôi đứng trong nước để nói chứ không đợi ra ngoài mới nói và dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ nói hay làm cái gì “có hại cho đất nước”.



Tôi hiểu chuyến đi này là một thử thách. Không khôn ngoan sẽ bị “đốt cháy”. Chưa biết phía nào đốt nhưng ai đốt thì nhà nước Việt Nam vẫn có lợi. Các bạn ở Đà Lạt cũng thấy hết khía cạnh khó khăn phức tạp, đóng góp nhiều ý kiến, ủng hộ việc tôi đi “tiền trạm” và chúc tôi “chân cứng đá mềm”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” chứ khó lường hết chuyện gì sẽ xảy ra. Vợ tôi đôi khi cũng cảm thấy nản không muốn đi nữa do thấy chuyến đi quá phức tạp và trong quá khứ chúng tôi đã quá đủ rắc rối rồi. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết và chỉ thực sự yên tâm, biết mình có thể thực sự ra đi khi máy bay đã cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất.



Qua đến Mỹ, khi gặp bạn bè, cùng những người mới quen biết, việc chúng tôi đi Mỹ trở thành một câu hỏi, dù họ nói ra hay không. Tôi hiểu từ lâu tôi được biết là một người bất đồng chính kiến, gặp nhiều khó khăn, bị quản chế, bao vây, cô lập, bây giờ tôi được đi ra nước ngoài, người ta sẽ đặt câu hỏi là do đâu: Chính sách của nhà nước cởi mở hơn? Tôi đã có thỏa thuận gì đó với nhà nước? Thậm chí tôi là “đối lập cuội” bây giờ đi thực hiện một nhiệm vụ nào đó của công an?... Câu hỏi này càng rõ rệt hơn thời gian sau đó khi tôi đã sang Mỹ, xảy ra vụ luật sư Lê Công Định và một số người khác bị bắt.



Tôi nghĩ việc mọi người đặt câu hỏi về chuyến đi của tôi là chuyện tự nhiên và tùy trường hợp, tôi đã trình bày, giải thích cho họ những gì đã xảy ra. Phản ứng của người nghe có khác nhau. Nhiều người mừng cho tôi đã có dịp đi ra nước ngoài sau bao nhiêu năm bị bao vây kềm kẹp. Có người cảnh giác tôi về những nguy hiểm mà tôi có thể gặp từ nhiều phía vì họ biết tôi từ trước vẫn là “người đi giữa hai lằn đạn”. Họ biết rõ thế nào là bị “đốt cháy” hay “vô hiệu hóa” trên đất Mỹ này qua rất nhiều trường hợp trong quá khứ. Rõ ràng trong việc tôi đi nhà nước hoàn toàn có lợi vì được tiếng tôn trọng nhân quyền, không gây khó khăn cho người bất đồng chính kiến. Nếu tôi bị nghi ngờ sẽ “mất tác dụng”. Còn tôi bị “đốt cháy” lại càng hay, đỡ đi một mối lo. Đây là những người yêu mến tôi và tôi biết cũng có những người hoài nghi, nhất là những người không có thiện cảm với tôi từ trước, thậm chí ác cảm, vì khác chính kiến (do tôi viết bài trên Internet và đã từng tranh luận với nhiều người về những vấn đề chính trị gai góc) dù tôi chưa hề gặp họ.



Dù sao tôi cũng chẳng bận tâm lắm về chuyện này vì tôi luôn nghĩ mình trong sáng, “thật vàng chẳng sợ gì lửa”. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên tắc đã xác định trước khi đi: Tôi có thể gặp bất cứ ai với tư cách cá nhân, trao đổi bất cứ vấn đề gì nhưng không tiếp xúc với các tổ chức chính trị, không trả lời phỏng vấn đài, báo, không “tuyên bố chính trị” rùm beng. Dù vậy, một thời gian không lâu sau tôi đã gặp “sự cố Berkeley” vì có người viết bài vu cáo tôi đi thực hiện nghị quyết 36 của nhà nước Việt Nam trong buổi gặp gỡ với Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại học Berkeley. Tôi đã viết bài trả lời, sau đó có thêm các bài của Nguyễn Khoa Thái Anh, một người trong cuộc và của Bùi Văn Phú, một người hoàn toàn khách quan không quen biết gì chúng tôi, cũng giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề. Tất cả tạo nên một đề tài “nóng” trên vài trang mạng một thời gian.



Có phải đây là một vụ “đốt cháy” mà tôi đã từng được cảnh báo? Nhưng tôi không phải là loại “dễ cháy” và cũng dám tự hào thuộc loại “cây gỗ vuông chành chạnh” không dễ để cho ai muốn “lăn long lóc” thế nào cũng được. Vài ngày sau, tôi quên ngay chuyện đó và các bạn bè tử tế ở đây cũng khuyên tôi như vậy. Cái trò này ở hải ngoại chẳng mới mẻ gì, ngay giữa những người “hải ngoại chống cộng” với nhau. Có người nói đùa nón cối hiện nay ở trong nước khan hiếm vì đã xuất khẩu ra nước ngoài phần lớn. Vì thế ở đây người ta tha hồ “chụp nón cối” cho người khác. Có người yếu bóng vía cũng sợ. Có người quá nhạy cảm cũng mất ăn mất ngủ. Đây là một kiểu “chống cộng có lợi cho cộng sản” cần phải nghiên cứu để xem ai thực sự đứng đằng sau, vì ý đồ gì.



Mấy tháng sau, vào ngày10/7/2009, Mai Thái Lĩnh, bạn tôi trong “nhóm Dalat” bị chặn ở sân bay không cho xuất cảnh dù mới được cấp passport và có visa vào Mỹ, Canada. Lĩnh lập tức thông báo cho mọi người, viết bài tố cáo và đơn khiếu nại đưa lên mạng. Chúng tôi phân tích có lẽ do tình hình chuyển biến sau những vụ bắt bớ và vấn đề khai thác bauxite tây nguyên ngày càng nóng lên nên nhà nước thay đổi sách lược. Chuyện sách lược đối phó với những người bất đồng chính kiến, từng người, từng thời điểm nhằm mục đích răn đe, mua chuộc, gây chia rẽ…, ngay trong “nhóm Dalat”, chúng tôi chẳng lạ gì từ nhiều năm qua. Nếu chúng tôi đi chậm vào thời điểm này biết đâu cũng có thể gặp trường hợp như Lĩnh. Cũng may chúng tôi đã đi rồi nhưng chúng tôi cũng sắp trở về. Trở về e sẽ còn lắm chuyện. Dù sao tới đâu hay đó.



( xem tiếp phần 2 )