Mỹ du ký phần 5



Washington DC



5. Những vấn đề chính trị của người Việt trên đất Mỹ


Trong sáu tháng ở Mỹ, tôi may mắn được tiếp xúc với khá nhiều thành phần người Việt, từ lứa tuổi 20 cho đến trên dưới 80. Có thể vì tôi được tiếng là một người bất đồng chính kiến từ trong nước ra nên mọi người gặp tôi đều thích nói chuyện chính trị. Thật cũng lạ lùng khi người ta say mê đến vậy. Người ta nói chuyện hàng buổi, thậm chí thâu đêm hay suốt trên đường lái xe. Tôi có cảm tưởng có người “quên ăn quên ăn quên ngủ vì lo đất nước” dù đất nước xa hàng vạn dặm và trong cuộc sống hàng ngày họ chẳng thể làm được gì nhiều cho đất nước. Có lần đang lúc nói chuyện với một nhóm trong nhà một người, bỗng chủ nhà nghe điện thoại rồi đưa cho tôi, bảo có một bạn trẻ muốn gặp tôi. Tôi nghe một giọng gấp gáp: “Sao anh? Có thể làm được gì không anh báo cho tôi tham gia với? Tôi sốt ruột quá!”. Thì ra đây cũng là một người cũng được mời tới dự buổi gặp gỡ nhưng vì bận việc không đến được nhưng trên đường lái xe, anh ta đã gọi điện để hỏi vì rất nóng lòng. Đó là tâm trạng của những người xa quê hương vẫn canh cánh bên lòng một ước mong sẽ làm được điều gì cho đất nước.



Có thể nói không sai rằng đại bộ phận người Việt ở Mỹ đều có tư tưởng chống cộng tuy cách thể hiện có khác nhau. Một người bày tỏ quan điểm: “Tôi qua Mỹ từ năm 1975, chỉ lo học hành, làm việc, nuôi gia đình, không hề tham gia bất cứ tổ chức hay hoạt động chính trị nào, kể cả các cuộc biểu tình chống cộng nhưng tôi không bao giờ làm điều gì đi ngược với cộng đồng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ là nạn nhân cộng sản và chúng tôi không bao giờ quên điều đó.” Tôi tin rằng đây là quan điểm và thái độ của “đám đông thầm lặng” người Việt Nam trên đất Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết trong số họ đều là những người tị nạn cộng sản sau năm 1975 và thực tế đường lối, chính sách của nhà cầm quyền trong nước chưa thể làm họ nghĩ khác hơn. Tuy nhiên khi có cơ hội đi sâu tìm hiểu, như trong chuyến đi Mỹ của tôi lần này, vấn đề này thể hiện phức tạp và đa dạng, nhiều mức độ khác biệt hơn.



Thái độ chống cộng có lẽ biểu lộ rõ nhất qua các cuộc biểu tình chống cộng trên đường phố và các bài viết trên báo, trên mạng. Tôi đã chứng kiến vài cuộc biểu tình với rất nhiều cờ vàng ba sọc đỏ và những khẩu hiệu, những lời phát biểu “tố cộng” chát chúa. Đỉnh điểm của thái độ chống cộng đến mức “chống nhau” giữa người Việt trên đất Mỹ có lẽ là cuộc biểu tình dai dẳng hơn hai năm trước tòa soạn báo Người Việt ở Little Saigon, Orange County, Nam Cali, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản trên đất Mỹ.



Anh bạn đưa tôi vào thăm báo Người Việt. Con đường nhỏ có nhiều tòa soạn các báo khác, báo Người Việt ở tận cuối đường nhưng cơ sở rộng rãi và bề thế nhất. Trước cửa tòa soạn, bên kia đường, có một chiếc xe nhỏ đang đậu, toàn bộ mui được sơn thành cờ vàng ba sọc đỏ và mấy câu khẩu hiệu “Đả đảo tay sai cộng sản”, “Vẫn còn những kẻ tiếp tay cho Việt gian cộng sản”. Xế bên kia đường là một chiếc xe khác và mấy người mặc áo rằn ri cầm máy ảnh công khai chụp hình những người ra vào tòa soạn. Nghe nói trước đây người ta còn làm một tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay vào tòa soạn với lời thề “cải biên” “Không diệt được tay sai cộng sản thề không trở về” và lúc nào cũng có vài chục người đứng hô khẩu hiệu đả đảo báo Người Việt. Bây giờ người biểu tình không còn đông như trước, chỉ còn vài ba người và khách ra vào tòa soạn vì công việc bình thường, không còn lo ngại như trước. Báo Người Việt là một trong những tờ báo Việt ngữ đầu tiên, lâu năm nhất, có số lượng phát hành lớn nhất, có độc giả đông đảo nhất, niềm kiêu hãnh của người Việt tị nạn ở Mỹ, do những người chống cộng thực hiện, ấy thế mà bây giờ bị một số người kết án là tay sai cộng sản. Nội tình của vụ việc này rất phức tạp, có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng tình hình này có thể coi là một kỷ lục thế giới về việc biểu tình và thái độ chống cộng cực đoan nhất của một số người.



Thái độ chống cộng quyết liệt còn thể hiện ở các bài viết trên các diễn đàn báo giấy, báo mạng, phát thanh truyền hình và thông tin trên vô số email group và email cá nhân. Nội dung từ cũ đến mới, không thiếu một đề tài nào, từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tiểu sử Hồ Chí Minh cho đến đường lối chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam, các tội ác điển hình, chuyện tù cải tạo, tình hình tiêu cực trên các lãnh vực trong nước cho đến việc đàn áp các người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… Phần lớn các lọai báo giấy được phát không, (còn gọi là “báo chợ” vì chỉ sống nhờ quảng cáo và phổ biến ở các chợ, cửa hàng) được đọc nhiều và các chương trình phát thanh cũng được nghe nhiều khi người ta lái xe. Các email group và cá nhân nhanh chóng chuyển cho nhau các bài viết trên mạng và thư từ riêng liên quan đến các nội dung này.Tất cả đã tạo ra tác động hầu như tức thì đến cách suy nghĩ của đa số người Việt ở Mỹ, nhất là về các vấn đề thời sự, đôi khi bị nhiễu loạn bởi các thông tin giả hay các chuyện đặt điều, vu cáo vô tội vạ.



Có một số người được gọi là “chống cộng đến chiều”, coi chuyện chống cộng như lẽ sống, như lý do tồn tại. Họ thề không đội trời chung với cộng sản; thề không về Việt Nam khi đất nước còn cộng sản thống trị; không tán thành việc người khác đi về Việt Nam để làm ăn, làm từ thiện, đi du lịch; tẩy chay các văn nghệ sĩ từ Việt Nam qua, thậm chí muốn thế giới cấm vận Việt Nam, không chấp nhận bất cứ điều gì được coi là tốt ở những người cộng sản hay tình hình trong nước.



Một số người không “chửi rủa”, phân tích các vấn đề chính trị cũng có cơ sở, lý lẽ nhưng họ chỉ gặp nhau và bàn chuyện chính trị vào dịp cuối tuần, khi gặp ở nhà này, lúc nhà khác, trong bàn ăn, bên ly rượu. Họ là những người đã lớn tuổi, trí thức, có thể có chức vụ vai vế trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Họ chống cộng nhưng không cực đoan và thú nhận đã là những người bất lực trước thời cuộc, chỉ muốn sống nốt thời gian còn lại bình yên ở xứ người, không hi vọng gì sẽ thấy quê hương thay đổi trước lúc đi xa.



Một số khác có quan điểm và hành động chống cộng tích cực hơn. Họ tỉnh táo phân tích thế mạnh, thế yếu của chính quyền cộng sản trong nước và của người Việt tị nạn hải ngoại để tìm ra phương thức đấu tranh hiệu quả nhất. Họ nhận rõ con đường bạo động vũ trang, lật đổ là bất khả thi nên chủ yếu đấu tranh chính trị trên nhiều mặt. Ở hải ngoại, họ có những hoạt động để duy trì tinh thần chống cộng trong cộng đồng và truyền thừa cho lớp trẻ, vận động chính phủ Mỹ và các chính phủ khác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ gây sức ép lên chính quyền trong nước, nhất là trên lãnh vực tôn giáo và nhân quyền. Họ cũng tìm cách tác động lên nhận thức của người trong nước thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch “chuyển lửa về quê hương”, kể cả những hoạt động bí mật từ trong nước, tuy rất ít. Những người này hoạt động một cách kiên trì, thầm lặng, nhất là khi tình hình chia rẽ ở hải ngoại thêm trầm trọng với sự tố cáo lẫn nhau gây nhiễu loạn và chán ngán trên các phương tiện truyền thông. Cũng có người tích cực hoạt động, rèn luyện bản lĩnh chính trị và giữ gìn nhân cách, hi vọng một ngày nào đó có thể về nước tham gia tranh cử, công khai hoạt động chính trị để thực hiện lý tưởng của mình.



Một xu hướng mới đáng chú ý là tập trung ủng hộ những người có khả năng đi vào sinh hoạt gọi là chính mạch của chính trường Mỹ. Họ tin rằng nếu người Việt có chân trong các cơ quan dân cử của tiểu bang, liên bang hay các chức vụ trong cơ quan công quyền Mỹ, vừa bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của người Việt trên đất Mỹ vừa có thể đề xuất hay ủng hộ các chính sách của Mỹ liên quan đến Việt Nam có lợi cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Vì thế những cuộc vận động gây quỹ và ủng hộ trong các cuộc bầu cử có ứng cử viên người Việt dần dần được nhiều người tham gia tích cực.



Cũng có các xu hướng nhìn bề ngoài có vẻ như ngược lại với các xu hướng trên đây, mang tính cách cá nhân, ban đầu chỉ là số lượng rất nhỏ nhưng ngày càng phát triển.



Đầu tiên là công tác từ thiện. Một số người thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ đồng bào trong nước đang gặp khó khăn, nhất là khi tình hình đời sống của họ đã ổn định và thấy một thành phần người dân trong nước quá khốn khổ. Họ tìm cách giúp đỡ cho các chùa, nhà thờ, những người bị bão lụt, những người tàn tật, bệnh hoạn, các cơ sở từ thiện… Họ làm việc này một cách âm thầm, ban đầu còn phải thông qua một vài tổ chức tôn giáo, từ thiện trong nước, sau này chỉ thông qua bà con bạn bè hoặc về nước trực tiếp đến gặp những người cần được giúp đỡ. Cũng có người, hay nhóm, công khai tổ chức các cuộc quyên góp thông qua các tiệc gây quỹ, đêm văn nghệ… và việc này cũng bị một số người trong cộng đồng gây khó khăn, tố cáo là thân cộng. Ban đầu đối với họ đây cũng là thử thách lớn nhưng rồi họ đã vượt qua được để tiếp tục công việc.



Có người khẳng định quê hương là của người Việt Nam, chế độ nào cũng tạm thời, sẽ qua đi nên dù chế độ trong nước thế nào, họ vẫn về nước thăm quê hương. Ngay cả những người không còn bà con trong nước, họ vẫn về để đi du lịch, tìm lại những chốn cũ có nhiều kỷ niệm hay đến những nơi mà trước đây họ chưa có dịp đi qua. Họ cũng khuyến khích và đưa con cái về nước, tạo lập mối liên hệ tình cảm để thế hệ sau không mất gốc. Những người này khác với những người chỉ về nước để hưởng thụ, ăn chơi và tỏ ra ta đây là “Việt kiều”, khi chính sách của nhà cầm quyền đổi chiều, không lên án nhưng lại tìm cách chiêu dụ người Việt ở hải ngoại được gọi là “khúc ruột ngàn dặm”. Cũng có người vì lý do riêng không về nước được nhưng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất, như giúp đỡ một người quen, ở trong nước, hay chính trên đất Mỹ, giải quyết một khó khăn nào đó về tài chính hay giúp nâng cao nhận thức về tình hình.



Thái độ và hành động tích cực nhất trong xu hướng này là ngấm ngầm hay công khai hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, thông qua các hoạt động kinh tế hay hợp tác về khoa học, giáo dục. Đây là những người vì muốn làm ăn kinh tế, hoặc có cảm tình với cộng sản từ trước qua cuộc chiến tranh, hoặc cho rằng chỉ có thể chuyển hóa nhà cầm quyền bằng phương thức tiếp cận, hợp tác chứ không thể chống đối từ xa. Trong số này cũng có sự khác biệt về sắc thái. Có người hợp tác gần như vô điều kiện, chỉ vụ lợi nhưng cũng có người có ý hướng chuyển hóa thực, dù chỉ làm được trong phạm vi nhỏ hẹp, thông qua các quan hệ cá nhân. Đây là xu hướng bị đa số cộng đồng chống đối nhưng không ngăn cản được.



Trên đây là khái quát những xu thế chính trị của người Việt tị nạn ở Mỹ mà tôi nhận biết hoặc do chính họ nói ra qua các cuộc tiếp xúc cá nhân hay từng nhóm nhỏ ở nhiều địa phương khác nhau, từ miền Tây sang miền Đông, từ các nơi đông người Việt như Nam-Bắc Cali, Texas, Washington D.C. hay các nơi ít người Việt hơn như Seattle (bang Washington), Carolina, Minnesota, Pennsylvania. Trong bối cảnh đó, nổi lên mấy vấn đề lớn là sự chia rẽ trong cộng đồng, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản, sự kế thừa nơi lớp trẻ và sự yếu kém về kinh tế.



Sự chia rẽ trong cộng đồng là điều có thực, không những thế còn lên đến đỉnh điểm làm nhiều người chán ngán. Do bất đồng về nhận thức, phương pháp và đôi khi cũng vì quyền lợi, người ta tố cáo nhau là thân cộng, tay sai cộng sản, còn được gọi là “chụp nón cối”. Không chỉ đối với những đảng viên cộng sản phản tỉnh từ trong nước ra (như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên…) mà đối với những người ở tù cộng sản lâu năm (như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Phan Nhật Nam…, riêng Nguyễn Chí Thiện bị coi là người giả do cộng sản đánh ra, còn người thật đã bị giết) và những người đã ở Mỹ nhiều năm hoạt động chống cộng như các người chủ chốt ở báo Người Việt, báo Việt Weekly, hay cả nghị viên như Madison Nguyễn đều đã từng bị tố cáo là thân cộng, tay sai, cò mồi cho cộng sản, thậm chí có người còn viết cả cuốn sách nêu đích danh “những tên đặc công đỏ”. Những người tố cáo này đều sử dụng báo chí, truyền thông, với những ngôn từ đôi khi rất đao búa. Những người tử tế ban đầu còn thanh minh, lên tiếng, tranh luận nhưng rồi đâm ra chán ngán, rút về im lặng, để cho những kẻ ồn ào tha hồ độc chiếm diễn đàn.



Một số tổ chức thấy cần thiết phải hợp nhất để tăng thêm sức mạnh đã đề nghị các hình thức liên minh, liên kết, hợp nhất nhưng không thực hiện được. Những đảng phái, tổ chức hình thành lâu năm muốn giữ bản sắc, truyền thống của mình, không muốn hòa tan trong tổ chức mới. Phần khác những người đứng đầu các tổ chức đều cho mình xứng đáng là lãnh tụ, không ai chịu phục, nhường ai, nên tất cả các cố gắng hợp nhất đều không thành công. Một số tổ chức nhỏ, mới thành lập, muốn họp nhau “xóa bài làm lại” nhưng lực lượng lại không đáng kể. Đây là tình hình gây thất vọng lớn đối với những người có tâm huyết. Tuy nhiên cũng có người nhận định trái ngược lại, cho rằng không cần thống nhất, hợp nhất, chỉ cần có mục tiêu chung và mỗi tổ chức sẽ có cách làm có hiệu quả riêng góp phần vào cái chung.



Sự khác biệt trong cộng đồng còn nằm ở tâm lý hận thù hay không hận thù, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản. Tuy rằng tâm lý chung của cộng đồng là ghét, sợ cộng sản nhưng sắc thái khác nhau tùy hoàn cảnh. Nhiều cựu quân nhân cho rằng khi còn chiến tranh họ không căm thù cộng sản hay không căm thù như hiện nay mà chỉ coi những người lính cộng sản là kẻ địch trên chiến trường, ai không giết sẽ bị giết. Sự căm thù chỉ trở nên sâu sắc sau khi bại trận và họ bị đối xử tàn tệ, đặc biệt trong các “trại cải tạo”. Sau này đa số đều cho rằng không thể hòa giải với người cộng sản vì cộng sản luôn lừa bịp trong vấn đề này nhưng cũng có người cho rằng họ sẵn sàng bỏ qua quá khứ nếu những người cộng sản biết nhận ra những sai lầm, có lời xin lỗi và thực tâm thực hiện hòa giải. Điều này những người cộng sản đã không đáp ứng nên nó chỉ là một giả thiết hay ước vọng chưa thành hiện thực.



Do hoàn cảnh kinh tế, khả năng hội nhập khác nhau giữa những người di tản sang Mỹ ngay từ năm 1975 và những người vượt biên, đi theo diện H.O. sau này, khó khăn hơn, nên tâm lý cũng khác nhau. Tuy những người trước vẫn giúp đỡ những người sau trong thời gian đầu, nhưng hoàn cảnh sống quá khác biệt, lại thêm tâm lý và cách đối xử vẫn còn mang tính cách cấp trên-cấp dưới của một số người trước đây có chức vụ, cấp bậc cao hơn, nay không còn phù hợp, làm cho sự gắn kết giữa một số bộ phận cộng đồng không được chặt chẽ, đôi khi còn có sự chia rẽ nghiêm trọng.



Vấn đề đáng quan ngại chung cho mọi gia đình Việt Nam ở Mỹ là những nỗi lo lắng cho thế hệ thứ hai. Trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Vì các cháu học ở trường Mỹ, thời gian giao tiếp với bạn bè nhiều hơn với gia đình, thường xuyên nói tiếng Mỹ, nên dần dần không nói được tiếng Việt, đa số nghe được chứ không nói được hay không thành thạo tiếng mẹ đẻ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ nói với con bằng tiếng Việt nhưng con chỉ trả lời bằng tiếng Mỹ, còn giữa bọn trẻ với nhau, đương nhiên chúng đều không nói tiếng Việt vì diễn đạt quá khó khăn. Cách nghĩ, cách sống theo kiểu Mỹ, trong đó vấn đề tôn trọng tự do cá nhân được đặt nặng và sự tự lập sớm đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa bố mẹ và con cái, đào sâu sự cách biệt vốn có giữa hai thế hệ. Nhiều bố mẹ cho rằng con cái không hư hỏng, không dính ma túy đã là may mắn lớn, còn lại con cái muốn làm gì thì làm. Chuyện học hành, bè bạn, yêu đương, kết hôn, sinh con..., những vấn đề hết sức quan trọng của các bậc cha mẹ người Việt đối với con cháu, có vẻ như thoát khỏi tầm tay khi họ sống ở Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, những ai muốn con cái nối chí cha mẹ tiếp tục con đường chống cộng quả thật vô cùng khó khăn khi lớp trẻ đã hội nhập sâu vào xã hội Mỹ có những quan tâm hoàn toàn khác. Tuy vậy cũng vẫn có những bạn trẻ quan tâm đến tình hình trong nước và vẫn muốn làm điều gì đó để giúp Việt Nam.



Trong buổi trao đổi với Hội Sinh Viên Việt Nam ở đại học UC Berkeley về đề tài “Sinh viên Việt Nam ở hải ngoại có muốn và có thể làm gì giúp quê hương Việt Nam?”, nhiều ý kiến và câu hỏi của các bạn trẻ rất đáng chú ý: Tại sao nhà nước Việt Nam lại gây khó khăn cho những người ở nước ngoài về làm từ thiện? Làm thế nào để hiểu người trong nước thực sự cần gì trước khi giúp đỡ? Không thông thạo tiếng mẹ đẻ là một trở ngại rất lớn cho việc hội nhập với chính quê hương mình. Nên giúp cần câu cá thay vì giúp cá. Giúp nhận thức về tự do dân chủ hay giúp tiền bạc? Nếu người trong nước không tự đứng lên đòi tự do dân chủ thì người ở hải ngoại không có lý do gì để làm thay. Nếu người ở hải ngoại không giúp đỡ, để nhân dân thực sự khốn cùng , họ có vùng lên lật đổ chế độ không? … Những ý kiến trao đổi sôi nổi về các vấn đề đó chứng tỏ sự trưởng thành và lành mạnh trong tư duy, đồng thời cũng nói lên tình cảm đối với dân tộc, đất nước của một bộ phận người trẻ ở hải ngoại.



Một vấn đề gây ngạc nhiên là sự yếu kém về tài chính của những người Việt hoạt động chính trị trên đất Mỹ. Cứ nhìn con số hàng 5-7 tỷ đô la người Việt hàng năm gởi về nước cho thân nhân thì thấy đó là một tiềm năng rất lớn. Nhưng đó là tiền để giúp gia đình của từng cá nhân cộng lại. Còn khi cần huy động để làm một công việc chính trị gì đó trên đất Mỹ không phải dễ dàng (Có lẽ thời kỳ mà việc vận động ủng hộ được hàng triệu đô la đã qua). Những người tích cực hoạt động chính trị hiện nay phần lớn không khá giả, hoặc phải làm việc để nuôi gia đình, hoặc đã về hưu. Vì thế khi cần huy động tiền bạc rất khó khăn hoặc được rất ít ỏi. Điều này là hạn chế rất lớn. Ngay việc làm một tờ báo đứng đắn hay duy trì một trang web cũng không phải là điều dễ dàng, có lúc phải buông bỏ trận địa vì thiếu tài chính và người làm. Hầu hết các tờ báo của người Việt ở Mỹ chỉ do một vài người làm, chồng chủ bút vợ chủ nhiệm là chuyện không hiếm. Tòa soạn thường là nhà riêng hoặc một văn phòng nhỏ đi thuê, có khi chỉ là một gara, nhà chứa hàng. Tòa soạn bề thế nhất là của báo Người Việt ở Orange County với hàng chục phòng, có hội trường riêng và vài chục nhân viên. Trong khi đó, những hoạt động do chính quyền trong nước đưa ra thực hiện trên đất Mỹ, công khai hay ngấm ngầm đều được tài trợ rất lớn. Đây cũng là vấn đề bắt đầu gây lo ngại cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.



Bức tranh toàn cảnh về chính trị của người Việt ở Mỹ quả thật phức tạp. Nó quan trọng và hầu như chiếm hết tâm trí của thế hệ thứ nhất, những người mang đầy ký ức không vui về hoàn cảnh đất nước mình. Thế hệ thứ hai sẽ khác cha anh mình rất nhiều. Như đã có người lo ngại, những gì gọi là vốn quý của người Việt trên đất Mỹ như tài năng, trí tuệ, mối quan hệ quốc tế sẽ không còn là của dân tộc Việt nữa mà sẽ trở thành tài sản của đất nước Mỹ. Vấn nạn này không phải chỉ là điều âu lo của người Việt hải ngoại mà đúng ra cũng phải chính là của chính quyền trong nước. Đối với nhà cầm quyền, chỉ có sự thay đổi chế độ với những chính sách thực tâm vì đất nước, tạo sự hòa giải và cơ hội cho người Việt hải ngoại mới có thể mang lại một cơ may cho dân tộc trong vấn đề này. Với thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ, họ không có gì cần phải hòa giải với nhà cầm quyền trong nước và nhà cầm quyền cũng không thể thu phục được họ nếu đất nước không trở thành một quốc gia có tự do dân chủ mà họ có thể hãnh diện khi nghĩ về nguồn cội của mình.



( xem tiếp phần 6 )



______________________________________