Mỹ du ký phần 3



Highways



3) Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.



Trên một phương diện, đối với tôi, tình cảm bạn bè là ấn tượng mạnh nhất khi đến Mỹ, trên phương diện khác, đó là hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.

Lần đầu được các bạn đưa từ sân bay San Fransisco về San Jose, tôi thật sự bị choáng ngợp. Ở trong nước đi xe quen với tốc độ tối đa là 60 – 70 km/g, bình thường 40 – 50 km/g, sang đây ra xa lộ, tốc độ trung bình cũng 60 miles (gần 100 km/g) , ngồi trên xe cứ lên ruột, thấy dễ tai nạn quá. Đã thế anh bạn lái xe còn cứ nói chuyện huyên thuyên, đôi khi còn nói điện thoại (dù bị cấm), chuyển lane, qua mặt, ra vào (exit – entrance) freeway nhanh như chớp. Phải khá lâu chúng tôi mới quen dần với tốc độ ở đây, cũng như thói quen thắt seat belt khi ngồi lên xe.

Chúng tôi đã đi xe hơi trên những freeway khá dài như đường 5 Nam – Bắc Cali, đường từ Dallas đến Houston ở Texas, từ Pittsburg (Pennsylvania) hay Charlotte (North Carolina) lên Washington D.C., từ D.C. ra sân bay Dulles, từ Denver, Colorado hướng về New Mexico…Thật ngạc nhiên trước những con đường hàng trăm mile thẳng như kẻ chỉ, thậm chí người lái xe không cần đảo tay lái trong cả giờ đồng hồ. Các freeway ít nhất có hai lane (cho mỗi chiều), có cái 4-5-6 lane, chưa kể hai lane sát lề trái và phải chỉ dành cho trường hợp phải dừng khẩn cấp. Có nơi như lúc qua cầu vào San Fransisco, ở trạm thu tiền, tôi đếm thấy có đến 16 lane. Vô số “biển báo giao thông” trên các tuyến đường, chưa quen nhìn hoa cả mắt và tưởng như rất khó chạy đúng đường lúc lái xe với tốc độ cao. Tuy nhiên khi đã quen, ngay tôi cũng cảm thấy việc lái xe không khó lắm. Các biển báo rất lớn, ngang đường trên cao hay bên lề cho người lái xe biết rất rõ từ xa 2 – 3 mile, được lặp lại khi đến gần ½, 1 mile, thậm chí vài trăm feet, cần chuyển làn nào, ra exit nào để đi đến đâu. Nhầm một exit phải đi rất xa mới quay lại được. Ở Virginia, tôi thấy các biển báo nhắc nhở cài seat belt theo kiểu có vần để dễ nhớ “Stick it or ticket”. Cũng ngộ!

Freeway đúng nghĩa không hề có đường giao cắt nên có thể chạy với tốc độ cao, những nơi đường giao cắt đều có cầu vượt. Cầu vượt vô số kể, có nơi hai ba tầng. Expressway cũng có thể chạy với tốc độ cao nhưng có giao lộ với đèn xanh đèn đỏ. Ở Mỹ có nhiều loại đường mà nhiều người ở Mỹ lâu cũng không phân biệt được rõ ràng tính chất của từng loại. Từ đường cụt ngắn nhất (court) đến way, road, street, drive, rồi avenue, boulevard, parkway, expressway, highway, spikeway…, lại có thêm có carpool lane dành cho xe chở 2 hay 3 người trở lên, bike lane dành riêng cho người đi xe đạp, trail là đường đi bộ trong công viên, trong rừng. Chưa kể lại còn đường dành cho người tàn tật đi xe lăn (không có bậc cấp) khi lên xuống lề đường, vào nhà, cho đến tận con đường đi vào rừng sâu ngắm cảnh ở National Park, Virginia mà chúng tôi đã có dịp thăm. Mô tô chỉ có loại phân khối lớn, chạy chung trên đường xe hơi. Họa hoằn lắm tôi mới thấy một vài người đi xe gắn máy nhỏ hay vespa trong thành phố. Loại xe này ra freeway sẽ bị các xe lớn tốc độ cao hút vào. Trong các khu dân cư nhiều đường nhỏ đều ghi rõ đường nào “no thru” tức là đường cụt, không thông qua được đường khác. Hèn gì đã có người định nghĩa “người Mỹ là loại động vật di chuyển bằng bốn bánh”.

Chúng tôi đã được các bạn chở đi trên rất nhiều đường, tất cả các loại đường đều tráng nhựa láng. Sau 6 tháng đi qua không biết bao nhiêu ngàn dặm, chúng tôi chỉ gặp vài “ổ gà” trên con đường nhỏ ở một khu hẻo lánh . Người ta nói nếu lái xe gặp ổ gà bị hư hỏng hay tai nạn có quyền đòi nhà nước bồi thường. Đường vạch sơn phân cách hai lane ngược chiều (trường hợp đường hẹp không có con lươn hoặc dãi phân cách) hay đường vạch sát lề thường được làm răn reo để khi bánh xe chạm vào, rung lên phát ra tiếng động nhắc nhở người lái lơ đễnh hay đang ngủ gật. Các dãi phân cách đủ cao hay được trồng cây che chắn để người lái xe không bị chói mắt bởi đèn xe ngược chiều ban đêm. Quả thật người ta đã nghĩ đến mọi chi tiết để bảo đảm việc lái xe được an toàn. Những con đường vòng quanh núi như ở Berkeley Hills, Alum Rock ở San Jose hay trong rừng ở Lake Tahoe, Pittsburgh, có chỗ rất ít người đi cũng tráng nhựa phẳng lì và biển báo các loại đầy đủ. Người ta chỉ sửa chữa, tu bổ đường vào ban đêm, chặn từng lane để làm nên không hề gây cản trở lưu thông.

Ở khu dân cư, các con đường rất yên tĩnh, thanh bình. Xe hơi đậu lềnh khênh ngoài đường và rất ít người đi bộ hay ra đứng chơi trước nhà (thường người ta chơi ở sân sau). Mọi nhà đều cửa đóng im ỉm. Thỉnh thoảng mới có người đi bộ tập thể dục hay xe đến lấy rác gây ra tiếng ồn trong chốc lát. Khúc đường ngắn nhất, chỉ có mấy nhà ở, cũng phải đủ rộng để xe lấy rác, xe thư và xe chữa lửa ra vào.

Điều tôi đặc biệt chú ý và thích thú vì nó mang lại tiện lợi cho người đi xe là các passing lane, vista point và rest area trên đường. Thường ở các con đường hẹp, nhất là đường đèo, mỗi chiều chỉ có một lane, muốn vượt rất khó, nguy hiểm hoặc không thể được. Để giải quyết vấn đề này, thỉnh thoảng người ta lại mở rộng đường những nơi địa thế thuận lợi, thêm một lane nữa khoảng vài trăm feet để xe có thể vượt nhau khi có những xe lớn hay chạy chậm ngáng đường. Các passing lane này đều có biển báo trước và các xe chạy chậm thường tự ý nhường đường cho xe sau vượt qua. Vista point là điểm đậu xe ở những nơi có phong cảnh đẹp, tầm nhìn bao quát để khách có thể dừng xe nghỉ ngơi ngắm cảnh, chụp hình. (Ở Berkeley Hills, nơi nhìn được toàn thể vùng Vịnh phía trước có cầu Golden Gate và Bay Bridge còn được gọi văn vẻ là inspiration point, có lẽ vì ở gần trung tâm nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học). Rest area là trạm nghỉ chân trên các tuyến đường dài do nhà nước làm. Đây thường là những khu vực rộng rãi, cây cối mát mẻ, có thể đậu nhiều xe, có nhà vệ sinh, thùng rác, nhân viên phục vụ. Trạm của tư nhân thường kèm theo trạm xăng và cửa hàng bán thức ăn nhanh, hàng tạp hóa. Mac Donald và In & out là hai thương hiệu thường có mặt ở các trạm này.

Việc “chấp hành luật lệ giao thông” cũng là điều đáng nói. Hầu như rất ít thấy bóng dáng cảnh sát giao thông trên đường, trừ thỉnh thoảng có vài xe tuần tra chớp đèn chạy trên freeway hay cảnh sát trực tiếp cầm máy bắn tốc độ (khá hiếm, tôi chỉ thấy một lần trên một con đường ở Virginia). Việc kiểm tra luật lệ được cảnh báo thực hiện bằng radar, camera hay máy bay trên cao, chưa kể còn có biển báo khuyến khích người lái xe trên đường báo cáo cho cảnh sát về những người lái xe khác có dấu hiệu say xỉn có thể gây tai nạn. Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ được cảnh báo sẽ bị phạt khoảng trên $300 trong khi xả rác phạt tới $1000. Có lẽ nhờ thế mà đường mới giữ được sạch sẽ.

Không thấy bóng dáng cảnh sát nhưng đừng xem thường, họ có thể lập tức xuất hiện bất cứ nơi nào, có người nói xuất hiện như ma hoặc các camera làm thay cho họ. Khi đã bị phạt thì khỏi năn nỉ và gặp rắc rối vô cùng, ngoài việc đóng tiền còn phải ra tòa, đi học luật, đi làm vệ sinh công cộng, tăng tiền bảo hiểm xe, thu bằng lái. Bị thu bằng lái xe ở Mỹ coi như què, khỏi đi làm việc. Cùng với việc trừng phạt nghiêm minh các vi phạm, có lẽ giáo dục và nếp sống xã hội đã làm cho người Mỹ thực hiện luật giao thông rất nghiêm chỉnh và tự giác. Tuy vậy cũng có người vi phạm, thường là chạy quá tốc độ trên freeway. Một anh bạn chở chúng tôi từ bắc về nam Cali, hơn 400 mile chỉ chạy mất 5 tiếng, kể cả nửa giờ nghỉ dọc đường. Ở Westminster, anh lạng lách “phóng nhanh vượt ẩu” suýt cho chúng tôi “hôn cột điện” và ở một freeway khác bị cảnh sát hú còi rượt theo phạt chạy quá tốc độ. Anh còn cố cãi là đang chạy theo flow cùng với các xe khác, chỉ chuyển lane, tại sao lại phạt. Viên cảnh sát “mặt sắt đen sì” cứ lập biên bản. Anh nói riêng với chúng tôi có lẽ nó thấy trên xe toàn dân châu Á, tưởng đi đánh bạc về nên phạt cho bõ ghét. Bực quá anh không lái xe được nữa, phải giao cho người khác lái. Theo tôi thấy anh bị phạt là đáng, còn kêu ca nỗi gì?!

Đêm khuya, nơi vắng vẻ, gặp đèn đỏ, dù không có xe nào khác trên các hướng, những người lái xe cũng kiên nhẫn đợi đèn xanh (có thể camera trên cao cũng đang chăm chú nhìn họ). Sắp đến giao lộ, có bảng Stop hay chữ Stop trên đường, bắt buộc xe phải dừng lại hoàn toàn, bốn bánh đứng im tại chỗ trước khi chạy tiếp. Trong các phố nhỏ, ngay những nơi không có tín hiệu đèn, khi người đi bộ qua đường mới bước xuống lòng đường hay chưa đi hết đường, người lái xe bắt buộc phải nhường và thường họ nhường một cách lịch sự, thậm chí vẫy tay mời người đi bộ đi trước dù người kia còn đứng trên lề. Những điều này tôi thấy khắp mọi nơi khi được các bạn chở đi rong ruổi trên vô số nẻo đường của nước Mỹ.

Một nét văn minh khác thể hiện trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh. Các xe bus chở học sinh đi học khi ngừng lại, đưa bảng Stop ra là tất cả các xe đều phải ngừng để nhường đường cho học sinh đi qua. Ở Virginia, gần nhà một người bạn, buổi sáng và chiều vào giờ đi học và tan học, tôi thấy một người lái xe đến, mặc đồng phục đặc biệt, xuống xe đứng cầm tấm bảng Stop chặn xe, chỉ để cho một vài em học sinh băng ngang đường đến trường gần đó. Xong việc, ông ta lái xe đi.

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là xe chạy trên đường nhiều vô kể nhưng lại hầu như không nghe tiếng còi xe. Người ta chỉ ấn còi khi nhắc nhở người trước lơ đãng không chịu chạy khi đã có đèn xanh hoặc bực mình vì thấy một người lái ẩu khi qua mặt hay chạy sai luật có thể gây tai nạn, điều hiếm khi xảy ra. Chả bù với ở trong nước lúc nào ra đường cũng nghe còi xe đinh tai nhức óc, nhất là xe tải bất ngờ bấm còi sát cạnh làm người đi xe gắn máy giật mình muốn rớt xuống xe.

Người lái xe hiện nay không rành đường, không muốn chú ý nhiều hay đi tới địa chỉ lạ, ở xa, có thể yên chí với máy định vị GPS. Xe đời mới, đắt tiền có máy gắn sẵn trên bảng trước mắt. Xe cũ có thể mua máy rời gắn vào. Chỉ cần gõ địa chỉ là được hướng dẫn (qua bản đồ hiển thị đường đi và lời nhắc nhở) đi đến nơi về đến chốn không sợ lạc. Một cái máy nhỏ gắn vào hiện nay chỉ khoảng trên dưới $100, có loại rất hiện đại, thêm nhiều chức năng so với loại máy cũ. Lái xe quá tốc độ cho phép trên đường sẽ có còi nhắc nhở, gần trường học cũng được báo hiệu để chú ý cẩn thận. Máy còn ước tính được thời gian đi mất bao lâu, hỏi người lái xe muốn đi nhanh hay chậm (nhanh thì ra freeway nhưng đường lại xa hơn), có muốn tránh đường phải nộp tiền “mãi lộ” không?... Thật là quá hiện đại!

Một chuyện vui mọi người thường nhắc đến liên quan đến xe cộ là chuyện cái gara. Ở Mỹ hầu như tất cả các nhà trong khu dân cư đều có gara. Cửa gara ngay mặt tiền nhà, rất lớn vì thường để đến 2, 3 chiếc xe trong khi cửa chính vào nhà lại nhỏ xíu bên cạnh hoặc nằm bên hông. Cửa gara được điều khiển đóng mở bằng remote gắn trên xe rất thuận tiện vì không cần xuống xe mở cửa, người ta cũng đưa xe được vào gara, đóng lại rồi mở cửa vào nhà bằng cửa phụ ở gara. Tiện lợi là thế nhưng gara lại không để xe (hoặc chỉ để một nửa) mà để đồ phế thải, đồ cũ, cả đồ mới mua hay được tặng nhiều quá không dùng tới. Nói tóm lại đó là nhà kho. Chiếc xe hơi đồ chơi nhỏ giá vài chục đồng để trong gara khi chiếc xe hơi thật giá vài chục ngàn đồng lại để quanh năm ngoài trời phơi mưa nắng. Quả là nghịch lý nhưng hầu như ai cũng làm thế. Thỉnh thoảng gara đầy quá, người ta lại mở garage sale, bầy ra sân bán đồ cũ cho người qua đường, vừa bán vừa cho. Đúng là điển hình của nếp sống tiêu thụ Mỹ!

Nhìn hệ thống xa lộ, đường sá ở Mỹ đủ thấy sự giàu có hùng mạnh của nước Mỹ. Phải có một tiềm lực kinh tế ghê gớm mới xây dựng được cơ sở hạ tầng như thế. Nhiều xe cộ đương nhiên phải lệ thuộc xăng dầu. Thử tưởng tượng một ngày không có xăng dầu nước Mỹ sẽ đình trệ như thế nào khi hàng trăm triệu chiếc xe không lăn bánh. Chẳng trách các chính phủ Mỹ đều quan tâm và tìm cách chi phối các quốc gia có trữ lượng và sản xuất xăng dầu.

Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi biết chỉ một bang California, diện tích còn lớn hơn cả nước Việt Nam, tiềm lực kinh tế lớn hơn nhiều cường quốc trên thế giới. Ước gì cả nước Việt Nam có được một xa lộ ra hồn như freeway số 5 (đường Nam – Bắc Cali qua Oregon, lên Washiongton State, đến tận nơi giáp giới Canada) nối liền hai đầu của đất nước. Chưa nói đến nhiều, chỉ cần một thôi nhưng đã hơn 30 năm sau chiến tranh vẫn không có được. Con đường gọi là “đại lộ Hồ Chí Minh” hay “đại lộ Trường Sơn” làm ra rồi nhưng không có bao nhiêu xe chạy, tại sao? Cái gọi là “xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa” năm xưa bây giờ có hàng vài chục đường giao cắt, đủ mọi loại xe đâm ngang đâm dọc, còn có thể gọi là xa lộ được nữa không? Xa lộ đúng nghĩa may ra chỉ có vài chục cây số đường dẫn vào Hà Nội từ mấy hướng, đoạn đường từ sân bay Liên Khương đến đèo Prenn, Đà lạt và đoạn đường từ Sài Gòn đi miền Tây vừa mới khánh thành. Chỉ thế thôi.

Những passing lane, vista point, rest area đâu phải khó làm và tốn kém lắm. Đó là dấu chỉ trình độ văn minh và tổ chức của một quốc gia thôi.





( xem tiếp phần 4 )



______________________________________