Tháng cầu cho các Linh Hồn - Tháng 11



Chúng ta còn nhớ trên thập giá Chúa Giêsu đã làm gì cho nhân loại trước khi Chúa tắt hơi thở cuối cùng. Thiên Chúa trao phó loài người cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng ta và Mẹ Giáo Hội.
Tháng cầu cho các linh hồn sắp đến. Dịp này chúng ta nhìn lại việc lành thánh, làm ơn cho các linh hồn, không phải linh hồn bà con, thân nhân mà là những linh hồn cầu cho chưa một lần gặp. Việc lành phúc đức trên phát xuất do lòng yêu mến các linh hồn. Việc đạo đức trên mang ý nghĩa chỉ trong khi thực hành đời sống đạo. Nhiều tâm hồn có lòng hảo tâm nhớ đến các linh hồn trong tháng 11 là việc làm vô cùng tốt đẹp, cần được khuyến khích, đề cao gương sáng đạo đức.
Tôi muốn đề cập đến việc cầu cho các linh hồn mồ côi. Thói quen cổ xưa và cách giải thích nghe có vẻ hợp lý.
MỒ CÔI THÂN XÁC :Linh hồn mồ côi là những linh hồn không ai cầu nguyện cho. Lời giải thích nghe hợp lý. Hoàn toàn đúng về phần xác. Cầu cho các linh hồn là nói chuyện về phần hồn, phần thiêng liêng. Không ai có thể chối cãi sự hiện hữu của người mồ côi. Chắc chắn có người mồ côi, có người được nhận làm con nuôi. Bất hạnh thay có người khi chào đời cha mẹ không còn nữa.
MỒ CÔI TÂM LINH: Nói về linh hồn là nói về phần thiêng liêng, không phải thân xác. Phần linh thiêng, phần hồn là do Thiên Chúa làm chủ. Cha mẹ được Thiên Chúa trao quyền coi sóc, dậy dỗ, nuôi nấng thân xác con cái. Điều này hết sức quan trọng và cần thiết cho sự sống. Linh hồn có tính thiêng liêng quan trọng vô cùng Thiên Chúa yêu thong không đành trao vào tay con người coi sóc và mặc kệ loài người nhưng chính Chúa đứng ra trông nom, coi sóc. Chính vì thế khi linh hồn ốm đau do tội lỗi gây nên. Chúng ta cần thần dược chữa trị cho các linh hồn. Thần dược đó ban phát do chính Thiên Chúa qua ân sủng các bí tích mang lại, qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, qua Lời Chúa. Hiểu như trên thì có người mồ côi. Có linh hồn mồ côi không thì chưa chắc. Vì sao? Vì không thấy chỗ nào Giáo hội nhắc đến, cầu riêng cho. Không lẽ Giáo hội lơ là đến thế sao?
THIÊN CHÚA CHA NHÂN TỪ
Linh hồn nào không có Chúa là Cha và Mẹ Maria là mẹ. Có người lập luận đành rằng là như thế Thiên Chúa là Cha chung, mẹ Maria là mẹ tất cả nhân loại nhưng đó là nói về phần hồn thôi, có người mồ côi thì phải có linh hồn mồ côi chứ. Chấp nhận lập luận này cần giải thích rõ vấn nạn sau. Điều gì thay đổi bản tính thiêng liêng của linh hồn? Chắc chắn không phải cha mẹ ruột sanh ra qua đời làm cho linh hồn đó hóa ra mồ côi. Trường hợp một người cha mẹ chết từ lúc mới sanh có người nhận làm con nuôi, chẳng may người con nuôi đó chết sớm. Cha mẹ nuôi xin lễ đọc kinh cầu cho hàng ngày như thế linh hồn đó có phải là linh hồn mồ côi không. Thưa không vì cha mẹ nuôi cầu nguyện cho. Trường hợp người có cha mẹ còn sống ở đời nhưng chẳng bao giờ cầu nguyện hay nhớ đến đứa con chết non như thế linh hồn đó mồ côi hay không mồ côi. Không thể nói là mồ côi được vì dòng họ anh ta còn nhan nhản ra đó. Như thế thì việc cha mẹ, anh chị em sống hay chết không thay đổi bản tính linh hồn người thân. Điều gì làm cho linh hồn ra mồ côi? Thưa linh hồn đó không có ai cầu nguyện cho. Làm thế nào chúng ta có thể quả quyết linh hồn đó không có ai cầu nguyện cho. Nếu đây là một câu trả lời có thể tin được thì tôi lấy làm buồn thay cho cách giữ đạo, tin đạo của Kitô hữu đó. Nếu như lát nữa tôi chứng minh các linh hồn đó có người cầu cho hàng ngày quý vị còn bắt họ mồ côi nữa hay thôi? Là linh hồn mồ côi khi không có ai cầu nguyện cho, bây giờ hàng ngày có người cầu nguyện cho thì hẳn là hết tình trạng mồ côi. Chúng ta chấp thuận lối lý luận sơ đẳng này chứ. Trước hết tất cả mọi người sinh ra đều là con cái Thiên Chúa. Chúa Jesus chết cho tất cả, không trừ một ai. Trong ngày lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy chúng ta nghe câu ‘nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa các em được trở thành môn đệ Chúa và thành phần tử Hội thánh’.Khi xức dầu linh mục đọc ‘em này sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ Chúa uy linh, Chúa Thánh Thần ngự trong em’. Trong nghi thức kết thúc lần nữa linh mục tuyên xưng ‘nhờ Phép Rửa tội, em được tái sinh, được gọi và thực sự là con Thiên Chúa. Trong Phép Thêm sức em được tràn đầy Chúa Thánh Thần và sẽ gọi Thiên Chúa là Cha’. Tôi xin mở ngoặc để lên tiếng thanh minh cho Giáo Hội bớt oan một chút. Thứ nhất khoảng gần 500 ngàn linh mục, nói mọi thứ tiếng, thuộc mọi dân tộc, màu da, ngôn ngữ. Hàng ngày số linh mục đông đảo trên dâng lễ và đọc kinh nguyện. Hai việc lành thánh có phần nguyện riêng cầu cho các linh hồn. Nếu hiểu linh hồn mồ côi là những người không có ai cầu nguyện cho thì một là oan cho các linh mục, hai là lời cầu của các linh mục đi vào quên lãng. Thứ hai oan cho giáo dân vì sau mỗi chuỗi kinh chúng ta xin: Lậy Chúa Giêsu xin tha tội lỗi chúng con, giữ gìn chúng con khỏi sa hỏa ngục và đưa hết thảy các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần thêm lòng Chúa thương xót hơn.Ngắn gọn hơn thì đọc: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Cuối kinh cám ơn chúng ta đọc: Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa trời thể nào thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa con cùng cám ơn như vậy Amen. Các thánh luôn cầu cùng Chúa cho các linh hồn, cho chúng ta. Thánh Teresa viết trong cuốn 1 Tâm Hồn, thánh nữ sẽ tiếp tục làm những việc mà trên trần gian chưa thực hiện được đó là truyền giáo và cầu cho các linh hồn. Chúng ta còn nhớ trên thập giá Chúa Giêsu đã làm gì cho nhân loại trước khi Chúa tắt hơi thở cuối cùng. Thiên Chúa trao phó loài người cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng ta và Mẹ Giáo Hội. Gioan đại diện nhân loại đứng nhận Mẹ Maria thay cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta có một từ mẫu. Người đó không ai khác chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế cũng là mẹ mỗi người chúng ta. Mẹ Maria là mẹ linh hồn chúng ta. Đức Kitô chính là Chúa, là Cha và mẹ Maria là mẹ linh hồn con người.
CỰU ƯỚC: Trong Cựu ước các tiên tri nhắc lại nhiều hình ảnh sống động biểu lộ tình thương Thiên Chúa dành riêng cho con người để nói lên giây liên kết không bao giờ quên con mình như hình ảnh ‘Ta khắc tên con trong lòng bàn tay Ta’. Nơi khác có hình ảnh ‘người mẹ có thể quên con mình, còn Ta, Ta không bao giờ quên con’. Một hình ảnh quen thuộc như ‘gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, Ta che chở con trong cánh tay đại bàng’. Hay hình ảnh ‘Ta gìn giữ con như con ngươi mắt Ta’. Điều này cho thấy không ai mồ côi trong mắt Chúa. Tất cả đều là con cái Chúa. Loài người có thể quên nhau. Thiên Chúa không bao giờ quên con người khi tên ta được ghi khắc trong lòng bàn tay Chúa. Trước khi ta vào đời Thiên Chúa đã biết ta. Biết đến độ một sợi tóc trên đầu cũng đã được đếm cả rồi.
TÂN ƯỚC: Nếu con người quên nhau các thánh của Chúa cũng quên ta nữa chăng? Các thánh không quên chúng ta khi các ngài còn sống. Tôi tin chắc các ngài luôn cầu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Thánh Phaolô viết trong Philipian 1,3- ‘tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa cho anh chị em’. Trong đầu thơ gởi cho Thessalonians một và hai các thánh cũng nhắc ‘ chúng tôi luôn cảm tạ Chúa cho anh chị em và hằng nhớ cầu cho anh chị em trong các kinh nguyện của chúng tôi’. Thơ gởi cho Philemon 1:4 ghi ‘mỗi khi cầu nguyện tôi luôn cảm tạ Chúa cho anh chị em vì tôi nghe rằng tình yêu Thiên Chúa đang sống động mạnh mẽ nơi anh chị em’. Thơ thứ hai của thánh Phêrô thì chúc lành cho chúng ta‘ nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Kitô Chúa chúng ta đổ tràn trên anh chị em’. Thơ của thánh Gioan xác quyết ‘chúng tôi đã nghe, nhìn thấy, chiêm ngưỡng và đụng chạm đến Ngài. Chúng tôi làm chứng thay cho anh chị em để anh chị em được gắn bó với chúng tôi trong cùng một đức tin. Tôn thờ một Thiên Chúa. Từ những điểm trên chúng ta tin rằng các thánh của Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta dù các ngài còn sống hay các ngài đang sống trước tôn nhan Chúa. Vì lý do trên mà Giáo Hội không có lễ riêng cầu cho các linh hồn mồ côi. Nói rõ hơn không có linh hồn mồ côi. Linh hồn mồ côi là do đạo đức thái quá suy ra. Tất cả các linh hồn chưa về hưởng nhan thánh Chúa được các thánh cầu cho ngày đêm. Điểm khác đi xa hơn chút nữa vấn đề cần bàn thảo khi chúng ta cầu cho ông bà tổ tiên. Bao nhiêu đời thì được coi là tổ tiên? Ngoài xã hội khi nói đến tổ tiên là nói đến người lập quốc, dựng nước như giỗ tổ Hùng Vương. Tổ tiên chúng ta là ai? Nếu đời người trung bình là 70 năm tính ngược lại mười đời tức vào khoảng 700 năm. Hai mươi đời thì khoảng 1400 năm. Ba mươi đời thì 100 năm trước khi Chúa Giáng Sinh. Xem thế khi chúng ta cầu cho tổ tiên chúng ta cầu cho tất cả, không còn sót một ai, không ai bị loại ra trong lời cầu cho ông bà tổ tiên. Thánh Phaolo cho rằng tổ tiên chúng ta được tính từ thời Chúa nói với tổ tiên qua các tiên tri trong cựu ước (Hebrew 1:1) Điểm thứ ba chúng ta cùng nhớ lại các câu thưa đáp trong thánh lễ. Phần cầu hồn trong thánh lễ cũng như lòng yêu mến Giáo Hội dành cho con cái Chúa, cách thức Giáo Hội diễn tả tâm tình qua việc cầu nguyện và nhớ đến các linh hồn trong thánh lễ. Thánh lễGiáo Hội là hình ảnh Chúa Kitô sống động giữa đời, do Chúa sáng lập để mang ân sủng Chúa cho con cái Chúa về cả phần xác lẫn phần linh hồn. Ban ân sủng cho nhân loại khi đang sống nơi dương thế và ban ơn cứu rỗi sau khi qua đời. Vì mục đích trên mà các kinh nguyện thánh thể luôn chia làm ba phần rõ rệt. Phần một cầu cho giáo hội lữ hành. Phần hai cầu cho giáo hội đau khổ. Phần ba liên kết giữa phần một và hai. Trong bài này chúng ta bàn tới các lời cầu cho giáo hội đau khổ. Nói rõ hơn là các lời cầu cho các linh hồn. Kinh nguyện thánh thể phần cầu cho các linh hồn luôn chia làm ba phần riêng biệt. Trước tiên là cầu cho tất cả mọi Kitô hữu. Phần hai cầu cho tổ tiên, thân bằng quyến thuộc. Phần ba cầu cho toàn thể nhân loại không sót một ai. Có 4 kinh nguyện thánh thể cho người lớn. Ba kinh nguyện thánh thể trẻ em, hai kinh nguyện thánh thể dùng trong các dịp hòa giải và bốn kinh nguyện thánh thể dùng cho các buổi họp. Khi dâng lễ linh mục luôn nguyện:
a/‘Lậy Cha xin nhớ đến các linh hồn là tôi tớ Cha được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con’. Sau câu này linh mục nguyện tiếp câu
b/‘xin cho các bậc tổ tiên cùng thân bằng quyến thuộc chúng con
c/ cũng như tất cả những ai đang an nghỉ’. Lời cầu trên không để sót một ai.
Kinh nguyện Thánh thể hai
a/‘Xin Cha cũng nhớ đến anh chị em tín hữu chúng con đang an nghỉ chờ ngày sống lại
b/ những người đã qua đời mà chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha’. Sau câu này linh mục nguyện tiếp
c/ ‘đặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng tôn nhan’.
d/ Sau hết xin Cha rộng lòng thương xót cho tất cả chúng con. Nói đến tất cả là không có luật trừ. Kinh nguyện Thánh thể ba:
Linh mục cầu cho cả thế giới: 'Lậy Cha, xin cho hy lễ hòa giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới... .. Còn những con cái Cha đang tản mát bốn phương trời, xin thương quy tụ tất cả về với Cha. Xin Cha nhớ đến anh chị em tín hữu chúng con đã lìa cõi thế, và mọi người sống đẹp lòng Cha mà nay đã ly trần'. Tiếp theo linh mục cầu cho thân nhân: Xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã qua đời. Trước khi kết thúc linh mục lần nữa cầu chung cho nhân loại: Xin thương nhận tất cả vào nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ được cùng nhau vui hưởng vinh quang Cha muôn đời.
Kinh nguyện Thánh thể bốn linh mục đọc cầu cho
a/ đức thánh cha
b/ đức giám mục giáo phận
c/ giám mục hoàn vũ
d/ tất cả các giáo sĩ
e/ những người xin dâng lễ
f/ những người hiện diện trong thánh lễ
h/ toàn thể dân thánh và cuối cùng là tất cả mọi người
i/ cùng mọi người đang thành tâm tìm Cha.
Phần cầu cho các linh hồn chia ra:
Xin Cha nhớ đến anh chị em tín hữu đã qua đời trong bình an của Đức Kitô. Sau đó cầu cho tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Cha biết họ đã tin tưởng vào Cha. Kinh nguyện thánh lễ hòa giải cầu rõ: Xin cho muôn người thuộc mọi đoàn thể và tầng lớp, mọi chủng tộc và ngôn ngữ mai sau cũng được quy tụ về dự tiệc trong Nước Cha. Lúc đó chúng con sẽ hân hoan mừng ngày nhân loại được hoàn toàn hiệp nhất trong cảnh thái bình vĩnh cửu nhờ Đức Kitô, Con Cha.
Kinh nguyện Thánh thể trẻ em xin: Cha chẳng quên ai bao giờ, nên chúng con cầu nguyện cho
a/ ông bà
b/ cha mẹ
c/ anh chị em
d/ bạn hữu chúng con.
Trước khi chấm dứt cầu thêm xin cha ban phúc lành cho đất nước chúng con và mọi dân tộc trên thế giới. Xin cha cũng nhớ đến những người đã chết và âu yếm đón nhận vào nhà Cha. Trong mùa Phục Sinh còn thêm câu: Xin cho mọi người tín hữu chúng con được hưởng niềm vui Phục Sinh, và chia sẻ niềm vui ấy cho những ai chưa biết rằng Đức Kitô đã sống lại... . Bấy giờ tất cả đều sum họp nhờ liên kết với Đức Kitô.
Kinh nguyện thánh thể trong các buổi họp:
Xin Cha nhớ đến anh chị em tín hữu đã qua đời trong bình an của Đức Kitô và tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Cha biết họ đã tin tưởng vào Cha. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng tôn nhan và xin ban cho họ, khi sống lại, được sự sống viên mãn. Xin Cha cũng ban cho tất cả chúng con khi mãn cuộc lữ hành trần thế, được đến nơi cư ngụ vĩnh cửu, ở đó chúng con sẽ sống mãi bên Cha.
KẾT LUẬN:
Tất cả mọi thánh lễ dù dâng cho người trưởng thành hay trẻ em, hay trong các dịp hội họp hay ngay cả linh mục dâng lễ không có giáo dân tham dự, Giáo Hội không bao giờ quên cầu cho các linh hồn. Không những cầu cho các linh hồn Kitô hữu mà còn nhớ đến các linh hồn chưa biết Chúa, chưa tin Chúa đã sống lại. Cầu cho cả những ai không cùng niềm tin Kitô giáo. Trong các giờ kinh phụng vụ các nữ tu và các linh mục luôn cầu cho các linh hồn, kể cả các linh hồn mà chúng ta gọi họ là mồ côi. Ngoài ra các giờ kinh phụng vụ dân Chúa đọc hàng ngày luôn có phần cầu cho các linh hồn. Với tâm tình đó Giáo Hội không có linh hồn mồ côi. Linh hồn mồ côi có là do lòng đạo đức sinh ra. Thử hỏi có bao giờ bạn xin được điều gì từ các thánh mồ côi chưa. Nếu có linh hồn mồ côi thì thế nào cũng phải có thánh mồ côi. Trong lịch phụng vụ không có lễ riêng nhớ đến linh hồn mồ côi mà cũng không lễ kính thánh mồ côi. Tuy nhiên có Lễ các Linh hồn 2/11.
LM. Vũ Đình Tường