Giáo dân đợi chờ gì nơi Linh Mục



Giáo dân Việt Nam rất quí trọng linh mục. Lòng quí trọng này vừa là một lợi điểm lại vừa là một nguy cơ. Là lợi điểm vì giúp cho linh mục cảm thấy mình cần thiết và có ích. Từ chỗ này, linh mục cũng cảm thấy ít bị cô đơn. Là nguy cơ, vì lòng quí trọng ấy có thể làm cớ cho linh mục ỷ y mà tôn mình lên, coi thường thiên hạ, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước. Vì thế, lòng quí trọng này nên đươc coi là một ơn riêng Chúa dành cho hàng ngũ linh mục Việt Nam, để nhờ đó các vị được an vui và phấn khởi trong chức vu. Vậy, với lòng quí trọng này, giáo dân đợi chờ gì nơi linh mục ?
1. Người của Chúa:
Từ xưa và bây giờ cũng thế, giáo dân được nghe nói linh mục là một Đức Ki-tô khác, nhất là trong các lễ mở tay (mà bây giờ gọi là lễ tạ ơn sau ngày chịu chức.) Chức linh mục được đề cao và đưa lên đến tận tầng mây. Do sự đề cao quá đáng quyền chức này mà linh mục cũng dễ bị cám dỗ tôn mình lên, nhất là trong ngày chịu chức, khi người ta đến xin phép lành đầu tay hay ngỏ lời chúc mừng. Thời trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, người ta thường đến quì trước tân linh mục để hôn tay và xin phép lành. Hồi đầu tháng Mười Hai năm 2004, tại lễ truyển chức linh mục ở Đài Bắc cho mười một phó tế, nhiều người cũng đã làm như thế. Đây là một cử chỉ đầy lòng tin và sự khiêm nhường. Cử chỉ này có thể làm cho tân linh mục xúc động và tăng thêm lòng tạ ơn Thiên Chúa. Có lẽ vì coi linh mục như một Ki-tô khác nên người ta mới có những cử chỉ như thế, và qua đó linh mục phải hiểu rằng giáo dân muốn linh mục là người của Chúa Giê-su và đồng hóa với Người về lòng nhân ái và tinh thần phục vụ. Trong cuộc đời truyền đạo, Chúa Giê-su luôn gần gũi tiếp xúc với người ta và tìm cách làm ơn cho họ. Giáo dân cũng đợi chờ nơi linh mục đức tính này là dễ gặp, dễ nhờ. Vì đức tính này mà linh mục được định nghĩa rất sâu sắc và thâm thuý là con người “được ăn” hay “bị ăn” (Le prêtre est un homme mangé). Kiểu nói này là của một linh mục người Pháp, cha Chevrier, người lập ra hội Linh mục Prado.Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi có mặt ở nhà, mọi việc giao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người cần gặp mà không gặp được. Lại có những cha sở tuy gặp được, nhưng giáo dân rất sợ vì tính lạnh lùng và hay bẳn gắt của cha. Bởi vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là hoạ lại hình ảnh Chúa Giê-su trong cách hành xử, nói năng và tiếp xúc.
2. Thi hành đúng chức năng:
Nói về việc linh mục thi hành đúng chức năng, Đức Giáo hoàng Ghê-go-ri-ô Cả có một bài giảng rất sâu sắc thấm thía. Đại ý ngài than phiền là có nhiều linh mục, nhưng rất ít linh mục chịu làm việc theo chức năng của mình hay có làm thì lại làm những việc ở bên ngoài chứ không phải việc bên trong. Việc chính yếu của linh mục là rao giảng lời Chúa, cử hành bí tích, giáo dục đức tin và lo phần rỗi cho các tín hữu. Những việc này phải làm trước rồi mới đến những việc khác như xây cất, mở mang cơ sở, hoạt động xã hội, phát triển dân sinh v.v… Ở Việt Nam, cha sở có một vị trí xã hội tốt, nói thì dân dễ nghe và người ta cũng hay nhờ thế cha sở để làm công kia việc nọ. Vì thế, cha sở cũng dễ bị cám dỗ trở thành một nhân vật ngoài đời để có thế ăn nói với người ta. Điều này có thể đưa linh mục đi ra khỏi phạm vi chức vụ chính thức của mình. Linh mục không phải là quan. Vậy, phải coi chừng với tính thích làm quan tự nhiên của mình mà luôn nhớ rằng linh mục chính yếu là người phục vụ lời Chúa và Tin Mừng của Người.Tuy nhiên, nếu linh mục chỉ biết có phòng thánh, nhà thờ và nhà xứ của mình thì cũng không đủ. Mà nếu chỉ lo những công việc ở bên ngoài phạm vi phòng thánh, nhà thờ, nhà xứ thì cũng không được nữa. Vậy phải theo một bậc thang giá trị mà dành ưu tiên cho những việc thuộc bổn phận linh mục. Mà bổn phận đó là làm lễ, giải tội, giảng thuyết, đi kẻ liệt, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật. Một linh mục, nếu làm đầy đủ bổn phận của mình thì chẳng còn thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu. Mà nếu có rảnh rỗi thì cũng nên dành thời giờ để học hành đọc sách vở thêm. Làm linh mục rồi nhưng vẫn còn phải học, ít là học cho biết viết bài giảng và giảng thế nào cho người ta nghe được. Soạn và viết bài giảng là một trong những hy sinh hãm mình của linh mục bên cạnh việc giải tội và “đi kẻ liệt”. Thường sau khi làm linh mục rồi, ít ai còn thích hay tiếp tục làm việc tinh thần. Vì vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi linh mục là lo cho có giờ để làm việc tinh thần mỗi ngày, ít là để soạn bài giảng, không dài quá, không chạy theo thời sự mà chú trọng vào ý nghĩa lời Chúa, không khuyên lơn hời hợt mà mở lối cho những áp dụng thiết thực, cũng không chiều theo thị hiếu của người nghe mà chú tâm vào việc giáo dục đức tin và đem lại cho người ta một cái gì có chất lượng. Muốn vậy phải tiếp tục học và tìm tòi suy nghĩ.Một điều nữa cũng nên lưu ý là đồng bào chúng ta thích sự hào nhoáng và hình thức bên ngoài. Người ta thích vui, thích dễ, thích ồn ào. Về điểm này, phải giữ chừng mực. Nếu chiều theo khuynh hướng này thì linh mục cũng dễ trở thành hời hợt nông cạn.
3. Tác phong đích đáng:
Giáo dân muốn linh mục có tác phong đích đáng trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử. Ngày nay linh mục thường ăn mặc như người đời. Ăn mặc như người ta có cái lợi là dễ hoà đồng, thoải mái, nhưng có cái bất lợi là có thể làm cho linh mục quên danh tính của mình mà không còn giữ gìn hay ít giữ gìn trong lời ăn tiếng nói, trong cách ăn mặc và cư xử với người ta nữa. Tất nhiên, “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng thày tu phải làm cho cái áo của mình có vẻ gì là tu chứ. Vì vậy, tuy ăn mặc như người đời, nhưng linh mục vẫn phải giữ cho mình cái cốt cách là linh mục. Cốt cách đó là phải ăn mặc đơn sơ xứng đáng với con người được học hành, có chữ nghĩa và có văn hoá, không chải chuốt quá đáng mà cũng không lôi thôi xười xĩnh trong cách ăn mặc, bừa bãi trong lối nói năng. Nhiều giáo dân lấy làm ái ngại cho những linh mục áo quần luộm thuộm, đầu tóc bù xù, nói năng bừa bãi. Mới đây có dư luận cho rằng nhiều linh mục trẻ sau 1975 thiếu nhân bản trong cách hành xử. Dư luận này đáng cho các linh mục lưu ý vì có liên quan đến ảnh hưởng và uy tín của các vị trong vấn đề làm chứng cho Chúa và cho đạo.
4. Thận trọng trong vấn đề vật chất:
Vật chất ở đây là tiền bạc, của cải, đất đai nhà ở, đồ dùng cá nhân. Các linh mục phần đông không để ý đến vấn đề này bao nhiêu, nhưng giáo dân rất để ý. Người ta vẫn thích những linh mục nào không lo làm giầu hay tìm kiếm cho mình hoặc bà con họ hàng mình của cải vật chất. Họ còn nể trọng những linh mục sống đơn sơ giản dị, không xa hoa trong cách ăn mặc và biết sử dụng bạc tiền một cách đích đáng. Bình thường linh mục nào cũng muốn có một cái máy vi tính, một chiếc xe gắn máy tốt, một máy ảnh kỹ thuật số hảo hạng, một căn phòng đầy đủ tiện nghi, càng sang càng cho là có giá trước mặt người đời. Khuynh hướng này khá mạnh và hiện ra rõ nét nơi nhiều linh mục thuộc thế hệ mới. Đó là kiểu cách tự nhiên theo thói đời. Nhưng linh mục là người đã chọn theo Chúa chứ không theo đời. Lý tưởng là thế nhưng thực tế lại không như vậy. Thành ra linh mục luôn ở trong thế giằng co căng thẳng. Có người hỏi tại sao ít người vào đạo công giáo, trong khi đạo có tổ chức, kỷ luật, nhiều nhà thờ đẹp đẽ, nhiều cơ sở to lớn và các lễ nghi rất tưng bừng lôi cuốn. Chắc có nhiều lý do mà một trong lý do là tại giới linh mục chúng ta xa cách.Chúng ta xa giáo dân và những người ngoài đạo, lại cách biệt nữa. Sự xa cách đó là do lối giao thiệp và đời sống của chúng ta. Về cách giao thiệp thì có thể vì chúng ta quá bận việc nên không có thời giờ và cơ hội tiếp xúc. Còn về đời sống thì chúng ta cách họ, vì dù sao, nói chung, đời sống của chúng ta vẫn cao hơn phần đông đời sống của ho. Vì thế, về phía chúng ta, xem ra chúng ta ít có dịp và ít có thời giờ; về phía họ, họ ngại và sợ gặp chúng ta. Thực ra, khi người ta không ở cùng một mức độ như nhau, thì cũng khó gặp gỡ và chuyện trò với nhau lắm, trừ ra khi hai bên đều cố gắng để xích lại gần nhau.Về sự gặp gỡ, giáo dân muốn chúng ta để ý đến những nghèo và ít học. Người ta đã phê bình và còn phê bình những linh mục nào chỉ chơi với người giầu và có học, còn người nghèo hay ít học, có đến gặp thì thường chỉ được tiếp đãi một cách hết sức qua loa hay lạnh nhạt.Nói chung, giáo dân còn đợi chờ ở linh mục nhiều lắm, nhưng đại khái trên đây là những điều chờ đợi chính yếu và có thể tóm tắt là nếu hỏi giáo đợi chờ gì nơi linh mục, chúng ta có thể trả lời rằng giáo dân đợi chờ chúng ta :trở thành người của Chúa * lo làm nên những công việc thuộc đấng bậc mình * ăn ở cho đúng với chức vụ của mình * thận trọng trong việc việc sử dụng của cải vật chất Làm được bấy nhiêu thì kể là linh mục đã đáp ứng được những đòi hỏi chính yếu của giáo dân rồi vậy.
LM Anrê Đỗ Xuân Quế