HIV đã xâm nhập vào giới tu sĩ




  1. Một lần, một bác sĩ thâm niên chăm sóc những người có HIV/AIDS dẫn tôi đến thăm một bạn trẻ bị mắc “bệnh thế kỷ” ở giai đoạn cuối. Gia đình bạn ấy có một cửa hiệu bán đồ tạp hoá ở vùng ven một quận tại thành phố Hồ Chí Minh. Với lượng thời gian 5 phút, chúng tôi chẳng thể nói với nhau nhiều điều. Bạn đó cho biết đang tu ở một dòng, sắp tốt nghiệp đại học thì phát hiện mình nhiễm bệnh. Tôi giật mình nghĩ thầm, HIV/AIDS đã xâm nhập vào giới tu sĩ!
    Tôi không dám hỏi bạn ấy nhiều vì sợ gợi lại cho bạn những nỗi buồn đau. Nhưng bạn ấy đã đọc thấy sự tò mò trong ánh mắt tôi vì sao đi tu mà lại bị HIV/AIDS. Với tấm lòng đơn sơ, bạn cho biết trước khi vào dòng bạn đã chích ma tuý hai lần.
    Khi gia đình phát hiện, bố mẹ đã gởi bạn ấy đến sống với một linh mục ở miền tây để cai nghiện. Sau một thời gian bạn đã từ bỏ được ma tuý và quyết tâm theo đuổi ơn gọi đời tu. Kể từ khi vào dòng bạn ấy không còn sử dụng ma tuý, tuy nhiên bạn ấy nói: “Sáu năm sau em vẫn còn thèm chích hêrôin.”
    Người bạn này, trước kia, vốn có khuôn mặt đẹp trai, làn da trắng, vóc dáng cao ráo, nhưng nay thân hình chỉ còn da bọc xương, nằm liệt một chỗ, không còn khả năng tự đi tiểu tiện.
    Trước lúc chia tay tôi hỏi: “Nếu em muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ khác, em sẽ nói gì?” Không chút lưỡng lự, bạn ấy bảo: “Người trẻ phải có một lý tưởng sống cao đẹp mới có thể tránh xa được những con đường huỷ diệt bản thân.”Tôi lại được dẫn tới gặp một người mà trước đây sắp sửa lãnh nhận chức thánh, nhưng qua một lần khám tổng quát, anh đã bị nhiễm HIV nên đành phải ngậm ngùi đau khổ rời khỏi nhà dòng. Tôi xui xẻo không được nói chuyện với người anh em này vì anh ta đi vắng.
    Chưa hết, tôi còn được gặp một linh mục bị HIV/AIDS đến thành phố Hồ Chí Minh từ một giáo phận khác. Ngài mắc căn bệnh này do đạp phải kim tiêm. Ngài ăn uống bình thường, nhưng thân hình gầy đi và tinh thần suy sụp. Ngài tâm sự rằng nhiều lúc nằm suy nghĩ rồi tự hỏi không biết mình có phải là linh mục thật sự nữa không. Thậm chí, Đấng bản quyền của ngài còn cấm ngài trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân vì sợ giáo dân sẽ nhiễm HIV!?
    Được biết ngài đã phải rời khỏi giáo xứ trong thinh lặng, và giải pháp để ngài sống hết phần đời còn lại đang còn được bàn bạc. Nói chuyện với ngài, tôi nghĩ rằng ngài phải sống ẩn dật để giáo phận khỏi phải tai tiếng. May mà ngài vẫn còn anh em ruột chăm sóc và lo lắng.
    Lần đầu tiên chứng kiến một người đại diện Chúa Kitô mắc căn bệnh này, tôi thật sự ngạc nhiên và không tin vào mắt mình.Không biết số phận những con người này hiện nay ra sao, nhưng khi gặp gỡ họ, tôi đã suy nghĩ nhiều về đại dịch này. HIV/AIDS đang đồn trú khắp mọi nơi và có đủ sức mạnh để chọc thủng mọi thành trì kiên cố nhất của bản thân, gia đình và xã hội. HIV/AIDS không loại trừ bất kỳ một ai, nó không xử sự theo tình cảm giống như con người: thương người này ghét người kia, giúp người nọ từ chối người khác. Nó không phân biệt chức quyền, địa vị, chủng tộc, tôn giáo.
    Những người dấn thân trong lĩnh vực này tâm niệm rằng, “SIDA là nỗi đau của bản thân, gia đình và xã hội.” Chỉ có chứng kiến, gặp gỡ và thăm viếng chúng ta mới cảm nghiệm được tính đúng đắn của câu nói đó.
    Người bạn trẻ của chúng ta trên đây đã nhắc cho mọi người lo tránh xa những con đường làm tiêu vong cuộc đời bằng cách xây dựng cho mình một lý tưởng sống lành mạnh. Chúng ta nên coi lời nhắn đó như một thông điệp gởi đến cho bản thân mình.
    Lý tưởng sống đó không gì tốt hơn là tự bản thân mình khám phá từ kinh nghiệm, từ môi trường sống và từ những vấp ngã cá nhân. Để lý tưởng của mình bền vững và không ảo tưởng, chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Kitô, và chỉ có tình yêu Chúa Kitô mới giúp ta xây dựng được lý tưởng đúng đắn cho mình.
    Những câu chuyện trên đây ví như vài hạt cát trong bãi sa mạc. Nếu có thống kê và nghiên cứu hẳn hoi, chúng ta sẽ biết thêm nhiều chuyện đang được giấu kín. Thành kiến của cộng đồng xã hội đã gạt những người này ra bên lề. Nhiều người không hiểu biết con đường lây nhiễm của HIV/AIDS nên không dám tiếp xúc với những người mắc bệnh này.
    Chúng ta hàn gắn vết thương cho họ không chỉ bằng tiền bạc mà còn cả tình thương và lòng tôn trọng. Để thực hiện được điều này, mọi người phải ra sức xây dựng tình yêu thương của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Cố tình loại trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống, con người chỉ có thể sống cuộc sống thuần tuý xã hội, lúc đó đức mến và tình thương sẽ biến khỏi mặt đất.Thế giới hiện nay có khoảng 46 triệu người có HIV/AIDS, trong đó có 2,9 triệu là trẻ em. Tại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, sau trường hợp nhiễm HIV lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, đến nay có hơn 245.000 người, những người ở độ tuổi từ 20-29 chiếm 62%.4
    Những bạn trẻ, tương lai và niềm hy vọng của Giáo hội và đất nước, chúng ta sẽ suy nghĩ và phải làm gì đây khi cuộc sống tương lai của chúng ta đang bị đe doạ? Nếu chưa thể làm được gì, thì ít nhất cũng phải quan tâm tìm hiểu về đại dịch này.
    Sự hiểu biết những con đường lây nhiễm, cách phòng tránh lây lan và thái độ cư xử đối với những người HIV/AIDS cũng là cách giúp người trẻ biết phòng tránh cho bản thân và giúp người khác phòng tránh nữa.
    Theo kết quả điều tra của một nhóm giáo dân tại vài giáo xứ, thì tỷ lệ thiếu niên và thanh niên công giáo nghiện ma tuý khá cao. Chúng ta không nên chủ quan và tự cao rằng người công giáo ít rơi vào các tệ nạn này.
    Tình hình cấp bách buộc chúng ta phải đoàn kết và hành động. Mỗi người tuỳ theo khả năng và hãy làm hết sức có thể thay vì ngồi than vãn hay chờ đợi một giải pháp./.

    Nguyễn Bình Thường