Nhiều nhà tiên đoán tương lai đã nói tới thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của tôn giáo, lúc mà con người sau
nhiều tiến bộ vẫn phải bó tay trước những vấn đề then chốt của cuộc đời, như vực tử sinh bám sát thân mệnh mình. Nhạc sĩ Hùng Lân đã nói lên rất sâu xa niềm thao thức này với Khúc Hát Trầm Tư: - Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của không gian? Hạt bụi mà chạy đua ánh sáng, sậy mềm mà cật vấn tinh vân, bọt bèo lại vòng tay ôm lấy cõi trần?
- Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của thời gian? Hiện tại mà tìm đo dĩ vãng, một giờ mà dự kiến muôn năm, phận vờ mà lại mơ hạnh phúc không tàn? Tìm Tụ Điểm Xây Thủy Điện Lực Có ai sống mãi trên cõi đời này đâu?! Trăn trở đi tìm giải đáp cho những khắc khoải và mang lại niềm an vui cho đời sống, mỗi tôn giáo đều có một hệ thống niềm tin riêng, một bối cảnh lịch sử và một truyền thống riêng liên hệ tới văn hóa và xã hội. Qua lịch sử, tôn giáo đã góp phần lớn lao cho nhân loại, thì nay trong lúc khẩn thiết đi tìm con đường mới vào thế kỷ XXI này, tôn giáo có cung cấp được kho tàng vốn giàu có của mình một cách hữu hiệu cho đúng sứ mạng không? Và nhất là đối với tiền đồ Việt tộc, tôn giáo có đóng được vai trò nào gom sức hưng phấn tinh thần sau những đổ vỡ tan hoang? Tôi vẫn hình dung tôn giáo như dòng nước từ nguồn trên núi cao, chảy xuống đồng bằng làm tươi mát bao tâm hồn, nuôi sống bao sinh linh. Nhưng cũng đôi khi xẩy ra tai nạn vỡ đê hay vỡ đập gây tổn hại không ít. Các dòng sông chảy riêng rẽ vẫn tiếp tục sứ mạng của mình, nhưng khi hoàn cảnh cần đến thì cùng chuyển lực vào một chỗ sẽ phát sinh thủy điện lực mãnh liệt. Mỗi tôn giáo đều mang những nét đặc thù quí báu, đến từ nhiều hướng khác biệt. Nhưng tôi tin rằng đối với người Việt mình, tụ điểm mà các tôn giáo có thể gặp gỡ chung được là Đạo Kính Tổ Tiên, tức Đạo Ông Bà, vì đây là niềm tin tưởng chung của dân Việt qua bao đời. Đây phải là tụ điểm lấy lại tinh thần xây được thủy điện lực như có lần triết gia Kim Định nói tới trong cuốn Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên: mất hồn, mất tinh thần, là vì mất niềm tin chung. Nét Khác Biệt Căn Bản Nơi Đạo Kính Tổ Tiên Của Người Việt Nhà huyền thoại học có thế giá vào bậc nhất là Joseph Campbell đã từng đưa ra nhận xét rằng gốc rễ mọi tôn giáo đều phát sinh từ hình ảnh đứa con đang nằm trong vòng tay mẹ: nó ngước mặt nhìn mẹ với tất cả vẻ trìu mến, và người mẹ nhìn nó với đầy vẻ yêu thương. Chính cái thái độ đó là Đạo, là đường, là cuống nhau, vượt qua cái xác thân nhỏ bé của mình mà nối lại vào lòng mẹ. Đạo đã bắt đầu từ chính cảm quan xác thân dẫn đến tâm linh. Nhà nhân chủng học Le Debleu gọi là “tham dự vào huyền nhiệm”. Đây mới là điểm riêng biệt của Đạo Kính Tổ Tiên nơi người Việt. Vì nếu giữ hiếu với cha mẹ chỉ vì cha mẹ sinh thành dưỡng dục thì một con vật cũng có thái độ đó, một cành cây cũng có hiếu là gắn vào thân cây mới tươi tốt được. Và bất cứ dân tộc nào cũng đều kính tổ tiên chứ có riêng gì dân Việt, từ bộ lạc trong hang hốc đến những nền văn minh cổ như Rôma hay Ai Cập. Chữ hiếu này liên hệ chặt chẽ với thể lý đi đến luân lý, phát sinh tình gia đình, tình gia tộc, tình bộ lạc, như kiểu uống nước nhớ nguồn, cố gắng làm nở mặt gia phong, giống nòi. Thứ tình này như chất nhựa sống, rất cần thiết, nhưng cũng nhiều khi trở thành ích kỷ khép kín, phát sinh tệ đoan vây cánh dòng họ và bó cột vào địa phương làm cản đà tiến chung. Vậy thì điều khác biệt cốt tủy nơi Đạo Ông Bà của người Việt nằm ở chỗ niềm tin vào nhân tính hồn thiêng bất tử từ một cội linh thiêng, con người là tụ đức của trời đất (thiên địa chi đức), vượt qua hộp vuông xác thân không thời mà tham dự được vào thiên tính. Cách xếp bài vị cũng bắt đầu từ thể lý bốn đời là cao, tằng, nỉ, tổ. Nhưng ở giữa là văn tổ, là nguồn thiêng chuyển nước xuống các mạch. Triết gia Kim Định đã diễn tả: “Triết lý ngũ hành hệ tại mỗi hành phải móc nối được với trung cung hành thổ mới có đủ linh ứng: thủy, hỏa, mộc, kim đều phải đi qua hành Thổ mới trở thành linh nghiệm. Áp dụng vào việc thờ tổ tiên, là phải từ tiên tổ mình đi đến bản tính đồng nhiên của con người gọi là Văn Tổ, rồi từ đó tỏa ra khắp mọi người. Tương tự như bên ngũ hành: không được dừng lại ở một hành nào chung quanh, mà phải lấy Thổ trung cung làm nền móng. Trong việc thờ tổ tiên cũng thế, không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình, nhưng phải vươn tới Tổ trên hết các tổ, cực tinh ròng gọi là Văn Tổ rất linh thiêng nên có tính cách phổ biến như trời cùng đất” (Kim Định, Hồn Nước với lễ Gia Tiên, Nam Cung, trang 30). Từ Đạo Hiếu Tới Đạo Trời Đạo là đường. Tây phương lấy gốc từ chữ re-ligio tiếng La Tinh, là nối lại vào. Đạo là cái bè qua sông, là đường nối bờ hữu hạn sang vô hạn. Cũng như chữ yoga là cái ách (yoke) gắn cái cầy vào vai con trâu mà nhận được sức mạnh. Đối với người Việt, Đạo Hiếu chính là cái rễ nối vào cội nguồn sức sống để cây đời có thể tươi nở. Từ tổ tiên của một dòng họ, một dân tộc, vươn tới văn tổ cội nguồn. Giờ chết được gọi là sinh thì, là giờ bắt đầu sống, là “birthday”. Nên con cháu thường chỉ nhớ ngày giỗ chứ mấy ai nhớ ngày sinh như kiểu Âu Mỹ. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên, dù xác đã chết, nhưng hồn vẫn sống mãi trong cội nguồn sức sống: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Cội nguồn này người bình dân gọi là Ông Trời, là một thực thể hiển hiện trước mắt giữa đời thường chứ không phải là một ý niệm trừu tượng về nguyên lý hay đại ngã ở mãi bờ bên kia nào cả. Ca dao vẫn thường xuyên nói lên niềm tin này: Lạy Trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cầy Lấy đầy bát cơm. Lởi xởi Trời cởi cho Lo xo Trời co lại. Chớ ta yêu nhau duyên phận mà thôi Của Trời như nước hồ vơi lại đầy. Khó giàu muôn sự tại Trời Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi. Có thể nói, niềm tin vào Ông Trời đã có sẵn trong tâm thức người Việt trước cả khi các tôn giáo du nhập. Nguyễn Đăng Thục trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (tập I, trang 416-417) cũng nói lên điều đó. Chính linh mục Đắc Lộ khi đến Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XVII đã nhận ra như vậy nên đã “lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật và quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa đất trời” (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trang 83). Tôi vẫn nghĩ danh xưng Đức Chúa Trời gần gũi với tâm thức Việt hơn là danh xưng Thiên Chúa, mặc dù cũng cùng một nghĩa. Bộ truyện thiêng Lĩnh Nam của Việt Tộc có hai truyện nói rất rõ về Đạo Ông Bà liên hệ trực tiếp với Đạo Trời. An Tiêm dù gặp khó vẫn tin tưởng “Trời sinh Trời dưỡng” nên đã trở thành giàu có do ơn Trời với nghề trồng dưa hấu. Ông đã dùng dưa hấu để dâng cúng tổ tiên. Việc dâng cúng này nói lên lòng biết ơn cái đức của tổ tiên để lại và tạ ơn Trời. Hoàng Tử Tiết Liệu đã thể hiện được chữ Hiếu khi được ơn trên soi sáng dâng bánh chưng vuông và bánh dày tròn. Cắm chấu con người hữu hạn vuông cạnh vào nguồn điện trời tròn viên mãn là công thức thắng giải được lên làm vua sống sang giàu sung mãn. Đó cũng là điều mà khoa tâm lý ngày nay chứng minh về liên hệ tình gia đình với sự lành mạnh tinh thần. Còn hiếu thì nước còn chảy, cây còn tươi, đèn còn sáng, máy còn chạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Như vậy, tiến trình thể hiện Đạo bắt đầu từ cảm nghiệm gia đình, nên không thể yêu Chúa nếu không biết cho tròn chữ Hiếu, không biết yêu thương cha mẹ, dòng giống mình. Bất hiếu là đồ vô phúc, cành lá sẽ héo, nhà sẽ bị mất điện thành tăm tối nghèo nàn. Kho tàng kim cương giàu có Chúa đã chôn giấu trong tình thân thương dòng tộc, trong chính đáy lòng mỗi người. Trở về nối được vào dòng sức sống này là thể hiện chữ Hiếu đúng nghĩa, là tìm được sung túc an lạc của đời sống, như Tin Vui của Chúa: “Nước Trời giống chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc. Tìm được một viên ngọc quí, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-45). Bụi Nào Cho Đục Được Mình? Vì Hiếu nên Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh cam chịu lao đao vùi giập. Chủ đích của Nguyễn Du không phải để quảng diễn những cung oán thê thảm của kiếp người, cũng không phải để đưa giải quyết đấu tranh xã hội nhất thời, mà nhằm nói lên được thái độ đương đầu với mọi nghịch cảnh trong niềm tin căn bản của dân Việt: Dù ai nói ngược nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng. Ai cũng có lúc đoạn trường chứ chẳng riêng gì nàng Kiều vào buổi giao thời đảo điên ấy. Vì đầm sen nào chẳng có bùn, cuộc đời nào chẳng có gió bụi. Thúy Kiều gặp quả đắng đâu phải vì do nhân mặn; cũng đâu phải vì có tài nên gặp tai như thuyết định mệnh, vì rất nhiều người không có chữ tài mà vẫn cứ liền với chữ tai một vần đấy. Người sao hiếu nghĩa đủ đường Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi? Nhưng sứ điệp của Nguyễn Du là tìm câu giải đáp cho những đứt ruột của cuộc đời, là tân thanh trong đoạn trường, là tiếng vui trong khúc buồn bùn lội. Cứ nhất định kiên trì tin tưởng vào lẽ Đạo, vào chữ Tâm của hồn thiêng bất tử. Chẳng bùn nào vùi giập được sen, vẫn lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Sứ điệp này đã vang vọng qua lời ca dao là hơi thở giống nòi trong phim Ba Mùa (Three Seasons): “Đố ai biết lúa mấy cây Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng. Đố ai quét sạch lá rừng Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”. Giáo sư Lê Hữu Mục trong cuộc hội thảo của sinh viên đại học hè Nancy 1998 về Truyện Kiều và tuổi trẻ, đã đưa ra nhận định về hồn thiêng bất tử trong tâm thức Việt: “Nguyễn Du không hề chủ trương rằng con người mà ta có duy nhất đây sẽ bị tan loãng và mất hút trong đại ngã; ông cũng không hề thấy rằng con người chỉ là một làn sóng, một ngày nào đó sẽ trở về với nước trong lòng đại dương. Nàng Đạm Tiên của Nguyễn Du sẽ mãi mãi là nàng Đạm Tiên với tất cả những mối liên hệ mà nàng đã đan dọc thêu ngang được, với tất cả lịch sử mà nàng đã sống, dù đó chỉ là lịch sử của một hội đoạn trường (Truyện Kiều với Tuổi Trẻ, Làng Văn, trang 683). Niềm tin vào Đạo Trời mãnh liệt lắm. Đó là mùa thứ ba, hóa giải hai mùa nắng nực và mưa sũng, mùa của chữ tâm, mang phép mầu biến đổi tất cả: Có Trời mà cũng tại ta. Khi nàng lấy hiếu làm trinh Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Trời còn để có hôm nay Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Từ Một Cội Rất Linh Thiêng Hỏi tên rằng biển xanh dâu Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa. Bùi Giáng đã trăn trở buông ra tiếng thở dài của cõi người ta như thế, giống như lời ca của Hùng Lân trong Khúc Hát Trầm Tư vẫn như còn đang tiếp tục vang vọng: - Cái gì khiến tôi lặng nghe tiếng thầm của dòng sông? Thuyền nào từng rời theo nước cuốn, thuyền nào về từ bến muôn phương, nhịp chèo nào nhặt khoan mong nối hai vô cùng? - Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của phù vân? Tìm điều nào đẹp hơn no ấm, tìm lời nào định nghĩa thanh danh, gì còn lại thật khi thân xác hư tàn? Đối diện với cõi chết, con người mới thực sự thấy được cái gì mất, cái gì còn, lúc nào ra đi và lúc nào trở về. Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội! Trong sa mạc hoang vu không còn gì để bám víu, kể cả bám víu vào việc ngồi hít thở mà hưởng thú hiện tại như kiểu “New Age”, người Do Thái nhận thức được niềm tin vào Chúa Trời duy nhất: con người chỉ là một đứa bé nhỏ như hạt cát sa mạc bao la kia đang được bàn tay rộng lớn từ trên bao bọc dẫn đường. Lúc bị tước đoạt trơ trụi nhất cũng chính là lúc nhận ra được an toàn đầy đủ nhất. Người Do Thái đã chỉ biết bước đi với Đấng Toàn Năng đang dẫn mình đi, thể nghiệm chữ Hiếu đúng nghĩa với người Cha đích thật, và đã ghi lại những cảm nghiệm nối được vào nguồn sung mãn thành một pho sách gọi là Thánh Kinh. Tiếp nối truyền thống này, người Công Giáo gặp gỡ được Chúa không như một khối lực vô vi hay như một Ông Trời mông lung ở mãi xa xôi, nhưng là một người Cha biết yêu thương gần gũi, đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa lòng nhân thế. Sinh ra làm người Việt, tôi tin chắc gặp được Đức Chúa Trời trong cảm nghiệm sống của tôi, trong tình nghĩa gia đình, dòng tộc, trong lịch sử kiêu hùng mà cũng rất bi thảm của dân tộc tôi. Đã tới lúc tôi cần nhận lại tất cả, nối lại tất cả, từ cảm nghiệm ngàn đời của tổ tiên, và ghi lại Hình Dung Một Cuốn Sách Khác với nhà thơ Du Tử Lê trong Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ: không ai hiểu thịt da tôi bìa sách bọc, bao ngoài quá đỗi thực, hư: riêng không ai hiểu linh hồn tôi mướt, sạch mọc lên từ một cội rất linh thiêng.
- Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của thời gian? Hiện tại mà tìm đo dĩ vãng, một giờ mà dự kiến muôn năm, phận vờ mà lại mơ hạnh phúc không tàn? Tìm Tụ Điểm Xây Thủy Điện Lực Có ai sống mãi trên cõi đời này đâu?! Trăn trở đi tìm giải đáp cho những khắc khoải và mang lại niềm an vui cho đời sống, mỗi tôn giáo đều có một hệ thống niềm tin riêng, một bối cảnh lịch sử và một truyền thống riêng liên hệ tới văn hóa và xã hội. Qua lịch sử, tôn giáo đã góp phần lớn lao cho nhân loại, thì nay trong lúc khẩn thiết đi tìm con đường mới vào thế kỷ XXI này, tôn giáo có cung cấp được kho tàng vốn giàu có của mình một cách hữu hiệu cho đúng sứ mạng không? Và nhất là đối với tiền đồ Việt tộc, tôn giáo có đóng được vai trò nào gom sức hưng phấn tinh thần sau những đổ vỡ tan hoang? Tôi vẫn hình dung tôn giáo như dòng nước từ nguồn trên núi cao, chảy xuống đồng bằng làm tươi mát bao tâm hồn, nuôi sống bao sinh linh. Nhưng cũng đôi khi xẩy ra tai nạn vỡ đê hay vỡ đập gây tổn hại không ít. Các dòng sông chảy riêng rẽ vẫn tiếp tục sứ mạng của mình, nhưng khi hoàn cảnh cần đến thì cùng chuyển lực vào một chỗ sẽ phát sinh thủy điện lực mãnh liệt. Mỗi tôn giáo đều mang những nét đặc thù quí báu, đến từ nhiều hướng khác biệt. Nhưng tôi tin rằng đối với người Việt mình, tụ điểm mà các tôn giáo có thể gặp gỡ chung được là Đạo Kính Tổ Tiên, tức Đạo Ông Bà, vì đây là niềm tin tưởng chung của dân Việt qua bao đời. Đây phải là tụ điểm lấy lại tinh thần xây được thủy điện lực như có lần triết gia Kim Định nói tới trong cuốn Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên: mất hồn, mất tinh thần, là vì mất niềm tin chung. Nét Khác Biệt Căn Bản Nơi Đạo Kính Tổ Tiên Của Người Việt Nhà huyền thoại học có thế giá vào bậc nhất là Joseph Campbell đã từng đưa ra nhận xét rằng gốc rễ mọi tôn giáo đều phát sinh từ hình ảnh đứa con đang nằm trong vòng tay mẹ: nó ngước mặt nhìn mẹ với tất cả vẻ trìu mến, và người mẹ nhìn nó với đầy vẻ yêu thương. Chính cái thái độ đó là Đạo, là đường, là cuống nhau, vượt qua cái xác thân nhỏ bé của mình mà nối lại vào lòng mẹ. Đạo đã bắt đầu từ chính cảm quan xác thân dẫn đến tâm linh. Nhà nhân chủng học Le Debleu gọi là “tham dự vào huyền nhiệm”. Đây mới là điểm riêng biệt của Đạo Kính Tổ Tiên nơi người Việt. Vì nếu giữ hiếu với cha mẹ chỉ vì cha mẹ sinh thành dưỡng dục thì một con vật cũng có thái độ đó, một cành cây cũng có hiếu là gắn vào thân cây mới tươi tốt được. Và bất cứ dân tộc nào cũng đều kính tổ tiên chứ có riêng gì dân Việt, từ bộ lạc trong hang hốc đến những nền văn minh cổ như Rôma hay Ai Cập. Chữ hiếu này liên hệ chặt chẽ với thể lý đi đến luân lý, phát sinh tình gia đình, tình gia tộc, tình bộ lạc, như kiểu uống nước nhớ nguồn, cố gắng làm nở mặt gia phong, giống nòi. Thứ tình này như chất nhựa sống, rất cần thiết, nhưng cũng nhiều khi trở thành ích kỷ khép kín, phát sinh tệ đoan vây cánh dòng họ và bó cột vào địa phương làm cản đà tiến chung. Vậy thì điều khác biệt cốt tủy nơi Đạo Ông Bà của người Việt nằm ở chỗ niềm tin vào nhân tính hồn thiêng bất tử từ một cội linh thiêng, con người là tụ đức của trời đất (thiên địa chi đức), vượt qua hộp vuông xác thân không thời mà tham dự được vào thiên tính. Cách xếp bài vị cũng bắt đầu từ thể lý bốn đời là cao, tằng, nỉ, tổ. Nhưng ở giữa là văn tổ, là nguồn thiêng chuyển nước xuống các mạch. Triết gia Kim Định đã diễn tả: “Triết lý ngũ hành hệ tại mỗi hành phải móc nối được với trung cung hành thổ mới có đủ linh ứng: thủy, hỏa, mộc, kim đều phải đi qua hành Thổ mới trở thành linh nghiệm. Áp dụng vào việc thờ tổ tiên, là phải từ tiên tổ mình đi đến bản tính đồng nhiên của con người gọi là Văn Tổ, rồi từ đó tỏa ra khắp mọi người. Tương tự như bên ngũ hành: không được dừng lại ở một hành nào chung quanh, mà phải lấy Thổ trung cung làm nền móng. Trong việc thờ tổ tiên cũng thế, không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình, nhưng phải vươn tới Tổ trên hết các tổ, cực tinh ròng gọi là Văn Tổ rất linh thiêng nên có tính cách phổ biến như trời cùng đất” (Kim Định, Hồn Nước với lễ Gia Tiên, Nam Cung, trang 30). Từ Đạo Hiếu Tới Đạo Trời Đạo là đường. Tây phương lấy gốc từ chữ re-ligio tiếng La Tinh, là nối lại vào. Đạo là cái bè qua sông, là đường nối bờ hữu hạn sang vô hạn. Cũng như chữ yoga là cái ách (yoke) gắn cái cầy vào vai con trâu mà nhận được sức mạnh. Đối với người Việt, Đạo Hiếu chính là cái rễ nối vào cội nguồn sức sống để cây đời có thể tươi nở. Từ tổ tiên của một dòng họ, một dân tộc, vươn tới văn tổ cội nguồn. Giờ chết được gọi là sinh thì, là giờ bắt đầu sống, là “birthday”. Nên con cháu thường chỉ nhớ ngày giỗ chứ mấy ai nhớ ngày sinh như kiểu Âu Mỹ. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên, dù xác đã chết, nhưng hồn vẫn sống mãi trong cội nguồn sức sống: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Cội nguồn này người bình dân gọi là Ông Trời, là một thực thể hiển hiện trước mắt giữa đời thường chứ không phải là một ý niệm trừu tượng về nguyên lý hay đại ngã ở mãi bờ bên kia nào cả. Ca dao vẫn thường xuyên nói lên niềm tin này: Lạy Trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cầy Lấy đầy bát cơm. Lởi xởi Trời cởi cho Lo xo Trời co lại. Chớ ta yêu nhau duyên phận mà thôi Của Trời như nước hồ vơi lại đầy. Khó giàu muôn sự tại Trời Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi. Có thể nói, niềm tin vào Ông Trời đã có sẵn trong tâm thức người Việt trước cả khi các tôn giáo du nhập. Nguyễn Đăng Thục trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (tập I, trang 416-417) cũng nói lên điều đó. Chính linh mục Đắc Lộ khi đến Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XVII đã nhận ra như vậy nên đã “lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật và quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa đất trời” (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trang 83). Tôi vẫn nghĩ danh xưng Đức Chúa Trời gần gũi với tâm thức Việt hơn là danh xưng Thiên Chúa, mặc dù cũng cùng một nghĩa. Bộ truyện thiêng Lĩnh Nam của Việt Tộc có hai truyện nói rất rõ về Đạo Ông Bà liên hệ trực tiếp với Đạo Trời. An Tiêm dù gặp khó vẫn tin tưởng “Trời sinh Trời dưỡng” nên đã trở thành giàu có do ơn Trời với nghề trồng dưa hấu. Ông đã dùng dưa hấu để dâng cúng tổ tiên. Việc dâng cúng này nói lên lòng biết ơn cái đức của tổ tiên để lại và tạ ơn Trời. Hoàng Tử Tiết Liệu đã thể hiện được chữ Hiếu khi được ơn trên soi sáng dâng bánh chưng vuông và bánh dày tròn. Cắm chấu con người hữu hạn vuông cạnh vào nguồn điện trời tròn viên mãn là công thức thắng giải được lên làm vua sống sang giàu sung mãn. Đó cũng là điều mà khoa tâm lý ngày nay chứng minh về liên hệ tình gia đình với sự lành mạnh tinh thần. Còn hiếu thì nước còn chảy, cây còn tươi, đèn còn sáng, máy còn chạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Như vậy, tiến trình thể hiện Đạo bắt đầu từ cảm nghiệm gia đình, nên không thể yêu Chúa nếu không biết cho tròn chữ Hiếu, không biết yêu thương cha mẹ, dòng giống mình. Bất hiếu là đồ vô phúc, cành lá sẽ héo, nhà sẽ bị mất điện thành tăm tối nghèo nàn. Kho tàng kim cương giàu có Chúa đã chôn giấu trong tình thân thương dòng tộc, trong chính đáy lòng mỗi người. Trở về nối được vào dòng sức sống này là thể hiện chữ Hiếu đúng nghĩa, là tìm được sung túc an lạc của đời sống, như Tin Vui của Chúa: “Nước Trời giống chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc. Tìm được một viên ngọc quí, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-45). Bụi Nào Cho Đục Được Mình? Vì Hiếu nên Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh cam chịu lao đao vùi giập. Chủ đích của Nguyễn Du không phải để quảng diễn những cung oán thê thảm của kiếp người, cũng không phải để đưa giải quyết đấu tranh xã hội nhất thời, mà nhằm nói lên được thái độ đương đầu với mọi nghịch cảnh trong niềm tin căn bản của dân Việt: Dù ai nói ngược nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng. Ai cũng có lúc đoạn trường chứ chẳng riêng gì nàng Kiều vào buổi giao thời đảo điên ấy. Vì đầm sen nào chẳng có bùn, cuộc đời nào chẳng có gió bụi. Thúy Kiều gặp quả đắng đâu phải vì do nhân mặn; cũng đâu phải vì có tài nên gặp tai như thuyết định mệnh, vì rất nhiều người không có chữ tài mà vẫn cứ liền với chữ tai một vần đấy. Người sao hiếu nghĩa đủ đường Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi? Nhưng sứ điệp của Nguyễn Du là tìm câu giải đáp cho những đứt ruột của cuộc đời, là tân thanh trong đoạn trường, là tiếng vui trong khúc buồn bùn lội. Cứ nhất định kiên trì tin tưởng vào lẽ Đạo, vào chữ Tâm của hồn thiêng bất tử. Chẳng bùn nào vùi giập được sen, vẫn lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Sứ điệp này đã vang vọng qua lời ca dao là hơi thở giống nòi trong phim Ba Mùa (Three Seasons): “Đố ai biết lúa mấy cây Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng. Đố ai quét sạch lá rừng Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”. Giáo sư Lê Hữu Mục trong cuộc hội thảo của sinh viên đại học hè Nancy 1998 về Truyện Kiều và tuổi trẻ, đã đưa ra nhận định về hồn thiêng bất tử trong tâm thức Việt: “Nguyễn Du không hề chủ trương rằng con người mà ta có duy nhất đây sẽ bị tan loãng và mất hút trong đại ngã; ông cũng không hề thấy rằng con người chỉ là một làn sóng, một ngày nào đó sẽ trở về với nước trong lòng đại dương. Nàng Đạm Tiên của Nguyễn Du sẽ mãi mãi là nàng Đạm Tiên với tất cả những mối liên hệ mà nàng đã đan dọc thêu ngang được, với tất cả lịch sử mà nàng đã sống, dù đó chỉ là lịch sử của một hội đoạn trường (Truyện Kiều với Tuổi Trẻ, Làng Văn, trang 683). Niềm tin vào Đạo Trời mãnh liệt lắm. Đó là mùa thứ ba, hóa giải hai mùa nắng nực và mưa sũng, mùa của chữ tâm, mang phép mầu biến đổi tất cả: Có Trời mà cũng tại ta. Khi nàng lấy hiếu làm trinh Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Trời còn để có hôm nay Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Từ Một Cội Rất Linh Thiêng Hỏi tên rằng biển xanh dâu Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa. Bùi Giáng đã trăn trở buông ra tiếng thở dài của cõi người ta như thế, giống như lời ca của Hùng Lân trong Khúc Hát Trầm Tư vẫn như còn đang tiếp tục vang vọng: - Cái gì khiến tôi lặng nghe tiếng thầm của dòng sông? Thuyền nào từng rời theo nước cuốn, thuyền nào về từ bến muôn phương, nhịp chèo nào nhặt khoan mong nối hai vô cùng? - Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của phù vân? Tìm điều nào đẹp hơn no ấm, tìm lời nào định nghĩa thanh danh, gì còn lại thật khi thân xác hư tàn? Đối diện với cõi chết, con người mới thực sự thấy được cái gì mất, cái gì còn, lúc nào ra đi và lúc nào trở về. Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội! Trong sa mạc hoang vu không còn gì để bám víu, kể cả bám víu vào việc ngồi hít thở mà hưởng thú hiện tại như kiểu “New Age”, người Do Thái nhận thức được niềm tin vào Chúa Trời duy nhất: con người chỉ là một đứa bé nhỏ như hạt cát sa mạc bao la kia đang được bàn tay rộng lớn từ trên bao bọc dẫn đường. Lúc bị tước đoạt trơ trụi nhất cũng chính là lúc nhận ra được an toàn đầy đủ nhất. Người Do Thái đã chỉ biết bước đi với Đấng Toàn Năng đang dẫn mình đi, thể nghiệm chữ Hiếu đúng nghĩa với người Cha đích thật, và đã ghi lại những cảm nghiệm nối được vào nguồn sung mãn thành một pho sách gọi là Thánh Kinh. Tiếp nối truyền thống này, người Công Giáo gặp gỡ được Chúa không như một khối lực vô vi hay như một Ông Trời mông lung ở mãi xa xôi, nhưng là một người Cha biết yêu thương gần gũi, đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa lòng nhân thế. Sinh ra làm người Việt, tôi tin chắc gặp được Đức Chúa Trời trong cảm nghiệm sống của tôi, trong tình nghĩa gia đình, dòng tộc, trong lịch sử kiêu hùng mà cũng rất bi thảm của dân tộc tôi. Đã tới lúc tôi cần nhận lại tất cả, nối lại tất cả, từ cảm nghiệm ngàn đời của tổ tiên, và ghi lại Hình Dung Một Cuốn Sách Khác với nhà thơ Du Tử Lê trong Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ: không ai hiểu thịt da tôi bìa sách bọc, bao ngoài quá đỗi thực, hư: riêng không ai hiểu linh hồn tôi mướt, sạch mọc lên từ một cội rất linh thiêng.