Đâu phải HIV chỉ tấn công người trẻ

Nhìn vào thực trạng của đất nước, chúng ta không khỏi lo lắng cho cuộc sống hiện tại và tương lai của nhiều bạn trẻ. Và khi nhìn vào đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam, chúng ta không khỏi thất vọng vì một số thành phần của Giáo hội chú trọng quá nhiều đến việc xây cất nhà thờ, cơ sở dòng tu và tổ chức “lễ lạt”.
1. Về đất nước
Trong suốt hơn 30 năm sau biến cố 1975, người dân Việt Nam được sống trong hòa bình và rất “ổn định chính trị”. Nhưng buồn thay, Việt Nam hiện tại vẫn là một quốc gia nghèo, tụt hậu và đang phải đối diện với nhiều vấn nạn như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, gian dối, v.v. Mặc dù đã đạt được nhiều “thành tựu tiến bộ và vượt bậc” so với trước, nhưng hai ngành giáo dục và y tế, “xương sống” của đất nước, đang bị dư luận lên án gắt gao vì rất nhiều lý do không thể nào diễn tả và nói hết được. Thật đáng lo cho tương lai của nhiều người trẻ khi đất nước hội nhập với thế giới, nhất là khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO): đất đai bị thu hẹp, nghề nghiệp không có, học hành không đến nơi đến chốn… Họ sẽ sống như thế nào và tương lai của họ đi về đâu khi phải cạnh tranh sòng phẳng về tay nghề và tri thức với những bạn trẻ của các nước láng giềng…?
Xin đưa ra một vài con số để làm rõ về tình hình đất nước sau 30 năm thống nhất:
Ngân hàng Phát triển châu Á vừa công bố chi phí tổn thất về người và vật chất hàng năm do tai nạn giao thông ở Việt Nam lên đến 885 triệu USD, chiếm 5.5% tổng thu ngân sách của cả nước hàng năm. Mỗi năm có gần 12.000 trường hợp tử vong, và bình quân mỗi ngày có 33 người chết và hàng trăm người bị thương. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2005 đã cấp cứu 26.083 trường hợp tai nạn giao thông, trong đó có 1.331 ca tử vong. Bác sĩ Trương Văn Việt, giám đốc bệnh viện, cho biết tại bệnh viện này mỗi tháng có trên 100 người chết và 2.000 người bị thương do tai nạn giao thông. [xem Tuổi Trẻ, ngày 24-10-2006]
Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, Báo Tuổi Trẻ cho biết tỷ lệ thanh niên được đào tạo để có một nghề (có trình độ công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng, đại học) chỉ chiếm 25-30%. Nghĩa là có tới 70-75% thanh niên Việt Nam bước vào đời mà không được đào tạo một ngành nghề cụ thể, đó là chưa kể đến chất lượng đào tạo còn rất hạn chế. Cũng trong số báo này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm, thủ đô Hà Nội phải tiếp nhận thêm 10.000 thanh niên thất nghiệp thuộc diện lao động trẻ ở vùng đất nông nghiệp bị thu hồi, đó là chưa kể số thanh niên thiếu việc làm thường xuyên cao hơn 4-5 lần. [xem Tuổi Trẻ ngày 5-9-2006]
Theo ước tính của Bộ Y tế, năm 2005 Việt Nam sẽ có từ 218.000-308.000 người nhiễm HIV/AIDS và 14.300 người chết. Đến nay đã có khoảng 1% nam giới và 0,34% nữ giới ở độ tuổi 15-49 đã nhiễm HIV. Từ nay đến 2010, mỗi năm ước tính sẽ có khoảng 40.000 ca nhiễm mới nếu không có một chương trình dự phòng toàn diện hơn. Tại thành phố mang tên Bác vào năm 2005, có khoảng 22.000 ca bị nhiễm HIV qua xét nghiệm. Tuy nhiên, theo khảo sát của một nhóm bác sĩ hồi tháng 6, con số này có thể lên khoảng 88.000 người [Bản tin UCA News ngày 12-9-2005].
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ca nạo phá thai, trong đó phần lớn là giới trẻ . Nói về thảm trạng phá thai, một sinh viên ngành y thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, tiết lộ: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện có 30 phụ nữ đến nạo phá thai, số nạo phá thai gấp 3 lần tỷ lệ số sinh. Có khi thai bị phá quá trễ, tình trạng giống như sinh non, đứa bé bị trục xuất ra ngoài bật khóc to, liền bị úp mặt xuống một chiếc gối cho đến chết ngạt. Lại có những đứa bé linh cảm sẽ bị giết, đã không chịu bị trục xuất ra ngoài tử cung, bác sĩ điềm nhiên dùng kềm, kéo và dao đưa vào tử cung, cắt vụn em bé, gắp ra từng phần”. [xem Lm. Trần Mạnh Hùng, Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003, trang 192].
Tỷ lệ thanh thiếu niên phải bỏ học bởi những lý do “không đủ tiền nộp học” chiếm 44,1%, “phải làm việc cho gia đình” chiếm 21,1%, và 13,8% “không muốn tiếp tục học nữa” [xem Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam, 2003, trang 28-29].
Theo dữ liệu của “Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 1999”, trình độ học vấn ở Việt Nam rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nếu tính dân số từ 5 tuổi trở lên, thì Việt Nam có 36,93% dân số ở bậc tiểu học, khoảng 50,15% ở bậc trung học và con số ở đại học chỉ vỏn vẹn 2,86% dân số mà thôi. Đại đa số người đang đi học là giới trẻ và thường bỏ học nửa chừng: có 2.450.091 em bắt đầu vào lớp 1, nhưng khi lên đến lớp 12 chỉ còn lại 809.628 em. (xem Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2001, trang 301).
Những con số được thống kê trên đây cho thấy một bức tranh ảm đạm về xã hội Việt Nam, được tạo ra bởi những “sai lầm” trong quá khứ và thậm chí ngay cả hiện tại. Những con số trên còn làm xuất hiện những di chứng mới trong tương lai, đặc biệt chúng sẽ tác động lâu dài và gây ra nhiều ảnh hưởng khôn lường đến nhiều thế hệ tiếp theo.
2. Về Giáo hội Công giáo Việt Nam
Những công trình mà Giáo hội đóng góp cho đất nước nói chung và nhiều người dân Việt Nam nói riêng thật đáng ghi nhận. Không ai có thể phủ nhận những gì Giáo hội Công giáo đã đóng góp cho đất nước trong các lãnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, các chương trình phúc lợi xã hội, v.v. Còn đối với người trẻ Công giáo, thì giáo phận nào cũng có một Ban mục vụ giới trẻ để chăm lo đời sống đức tin và giáo dục nhân bản cho họ. Tuy nhiên, nhìn chung, những gì mà Giáo hội Việt Nam làm được cũng mới chỉ dừng lại ở những gì mà lâu nay Giáo hội đã làm. Điều này là do những nguyên nhân vừa khách quan vừa chủ quan.
Kể từ ngày Nhà nước thực thi chính sách đổi mới bắt đầu từ năm 1986, thì tình hình tự do tôn giáo ngày càng được nới rộng hơn và đời sống kinh tế của người dân được cải thiện. Kể từ đó đến nay, trong Giáo hội, càng ngày càng có nhiều nhà thờ và nhiều lễ hội được tổ chức. Có thể nói việc xây dựng nhà thờ và tổ chức lễ lạc dường như đang trở thành một phong trào “trăm hoa đua nở” của Giáo hội địa phương.
Buồn thay, rất nhiều trẻ em nông thôn phải bỏ học để lên thành thị bán vé số, bán báo và đánh giày; thanh niên nam nữ phải rời bỏ làng quê để lên các thành phố kiếm việc làm; biết bao bệnh nhân HIV/AIDS bị ruồng bỏ, sống lây lất ở cầu đường xó chợ và không được chăm sóc những nhu cầu tối thiểu; hàng ngàn cụ già vô gia cư đang vất vưởng bán từng tờ vé số hoặc xin ăn trên các đường phố; giới trẻ thiếu sân chơi lành mạnh thì nhiều giáo xứ ở nông thôn lẫn thành thị đã phá bỏ những ngôi nhà thờ còn sử dụng được trong nhiều năm nữa, rồi chi ra hàng tỷ đồng để xây dựng nhà thờ mới.
Tôi xin đơn cử một ví dụ: năm trước (2005) một giáo xứ ở nội thành Sài Gòn do các tu sĩ của một tỉnh dòng nọ coi sóc đã đầu tư khoảng 17 tỷ đồng để xây dựng một ngôi nhà thờ rất khang trang. Đầu năm 2007, các tu sĩ tỉnh dòng này vừa khánh thành một tòa nhà ở một tu viên khác cho các tu sĩ ở cao 5 tầng, có diện tích gần 200 mét vuông với kinh phí xây dựng và trang trí nội thất hơn 4 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, tỉnh dòng này chi khoảng 21 tỷ đồng để xây dựng nhà thờ và nhà ở.
Tôi nhớ lại cách đây khoảng 15 năm, ở giáo xứ quê tôi, những người dâng cúng một bàn thờ bằng đá cẩm thạch đắt tiền hoặc vài cây vàng để đúc tượng Đức Mẹ đều được khắc tên mình vào chân bàn thờ hoặc phía sau dưới chân tượng Đức Mẹ. Một trong số những người dâng cúng có họ hàng với gia đình tôi, sau này, đã lừa nhiều người bà con bằng cách mượn sổ đỏ để vay tiền ở ngân hàng và đã âm thầm “chuồn” khỏi giáo xứ vì nợ nần.
Một linh mục triều nói với tôi rằng việc xây dựng các ngôi thánh đường khang trang là nhằm “tôn vinh các linh mục coi xứ và hội đồng giáo xứ”. Các linh mục thì được tiếng là đi đâu thì xây dựng và thay đổi ở đó, còn các hội đồng giáo xứ và nhiều người trong xứ cảm thấy tự hào vì nhà thờ mình to hơn nhà thờ người ta.
Một linh mục, xin dấu tên, trong một bữa cơm trưa, đã nói với tôi: “Tôi cho rằng việc xây dựng nhà thờ đúng với nhu cầu là hoàn toàn hợp lý.” Nhưng ngài nhấn mạnh: “Tôi không đồng ý nếu xây nhà thờ to lớn với nhiều phòng ốc mà không sử dụng hết vì đó là một sự lãng phí rất lớn”. Ngài nói thêm: “Rất nhiều nhà giáo lý và nhà sinh hoạt tại các giáo xứ đều đóng cửa cả ngày, và thiếu nhi chỉ học giáo lý vào sáng Chúa nhật.” Ngài mơ ước rằng các cơ sở này cần được tận dụng để mở các trung tâm ngoại ngữ, tin học, phòng khám phục vụ người dân nghèo và người nhập cư.
“Đa số người Công giáo tại thành phố chỉ đi lễ vào ngày Chúa nhật,” ngài nhận xét và nói thêm: “Cần làm nhiều lễ hơn là xây một nhà thờ to lớn vì có những thánh lễ chỉ sử dụng một nửa diện tích nhà thờ mà thôi.”
Trong khi việc xây nhà thờ gây ra sự lãng phí và tốn kém, thì một số chương trình cai nghiện của tu sĩ và giáo dân giúp các bạn trẻ có cuộc sống lành mạnh để thoát khỏi HIV/AIDS và các tệ nạn khác bị thất bại vì thiếu kinh phí. Nữ tu Mát-ta Nguyễn Thị Hoa, dòng Đa Minh Tam Hiệp, nói rằng chương trình cai nghiện bằng “liệu pháp tâm linh” của nhóm chị đã bị thất bại một phần là vì thiếu kinh phí, một phần vì phải “làm chui”. Người nữ tu được mệnh danh là “Hoa ma tuý” nói tiếp: “Công việc cai nghiện đòi hỏi lòng kiên trì và nhẫn nại, nhưng những người cộng tác với chúng tôi phải làm việc trong một môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm mà chỉ nhận được một ít tiền bồi dưỡng.”
3. Thay lời kết
Tôi thường ghé thăm phòng khám miễn phí cho những người có HIV/AIDS ở tu viện Mai Khôi, và nhận thấy các nhân viên làm việc trong điều kiện chật chội vì thiếu phòng ốc, trong khi bệnh nhân lại đông. Và tôi nhận thấy đã có sự tiết kiệm đối với công việc bác ái, trong khi lại lãng phí vào việc xây nhà thờ, nhà ở cho các tu sĩ và những sinh hoạt tôn giáo khác. Nếu chúng ta tiến hành một cuộc nghiên cứu thật nghiêm túc về mức độ sử dụng của các cơ sở ở các giáo xứ, các thiết bị và đồ đạc dùng để tổ chức các cuộc lễ lạc đang vứt hàng đống trong kho thì sự lãng phí chắc chắn là rất lớn.
Đại dịch HIV/AIDS và nhiều vấn nạn xã hội khác đang tàn phá nhiều người trẻ Việt Nam, thiển nghĩ nếu nhiều giáo xứ, dòng tu đầu tư nhiều tiền bạc vào việc xây cất nhà thờ, tổ chức lễ lạc thì ắt hẳn sẽ không còn tiền và sức lực để đầu tư vào giáo dục, y tế và các dự án phúc lợi xã hội để có thể đóng góp một phần giúp cho nhiều người trẻ có được tương lai tươi sáng hơn.Trình bày những điều trên không phải là để chỉ trích hay lên án, nhưng thiển nghĩ đó là những khuynh hướng xa rời Tin Mừng đang bén rễ sâu trong lòng Giáo hội Việt Nam cần phải được nêu lên. Đồng thời mỗi Kitô hữu Việt Nam cũng nên “xét mình” khi bất công, gian dối, nghèo đói, thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền đang diễn ra khắp nơi tại quê hương mến thương của chúng ta.
Nguyễn Bình Thường