Diễn từ của Đức Thánh Cha Benedicto 16, gửi tới các bạn trẻ thế giới nhân ngày đại hội giới trẻ tại Úc Châu. Năm 2008

SYDNEY - Trong nghi thức của Bạn Trẻ chào mừng Đức Thánh Cha Benedictô XVI tại Barangaroo, Ngài đã ban bài diễn từ như sau:

Các Bạn Trẻ thân mến,


Thật là vui mừng biết bao khi được chào mừng các con tại Barangaroo này, ngay cạnh hải cảng thiên nhiên xinh đẹp của Sydney. Nhiều người trong các con là dân Úc địa phương, đến từ những vùng xa xôi hẻo lánh hay thuộc các cộng đồng sắc tộc đa văn từ các đô thị lớn. Nhiều người đã đến từ những hải đảo chi chít trong vùng Thái Bình Dương, và nhiều người khác từ Á Châu, Trung Đông, Phi Châu, và Mỹ Châu. Một số nữa, dĩ nhiên, cũng đã đến từ một nơi rất xa như Cha đây, là Âu Châu! Dù cho chúng ta có từ đâu đến đi chăng nữa, chúng ta cũng đang cùng nhau hiện diện nơi đây ở Sydney. Và chúng ta cùng sát cánh bên nhau trong thế giới này như một gia đình của Thiên Chúa, như những môn đệ Đức Kitô, được gia tăng sức mạnh nhờ Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân cho tình yêu và chân lý của Thiên Chúa cho tất cả mọi người!

Trước tiên Cha xin cám ơn các vị Trưởng Lão Aboriginal đã chào đón Cha ở Rose Bay trước khi Cha lên tàu. Cha rất cảm động được đứng trên mảnh đất của anh chị em, và hiểu rằng trên mảnh đất này đã xảy ra nhiều đau khổ và bất công, nhưng Cha cũng biết là việc hòa giải và hàn gắn đang được tiến hành, để đem lại danh dự chính đáng cho tất cả mọi công dân Úc-đại-lợi. Với các bạn trẻ thổ dân – cả người Aboriginal lẫn Torres Strait, và người Tokelauans, Cha xin bày tỏ niềm tri ân về nghi lễ chào mừng cảm động của các canh chị em. Cha cũng nhờ anh chị em gởi lời chào mừng chân thành của Cha đến bộ tộc của anh chị em.

Thưa Đức Hồng Y Pell, Đức Hồng Y Rylko, Đức Tổng Giám Mục Wilson, Cha cám ơn các Chư Huynh về những lời chào mừng nồng ấm. Cha biết trong tim những bạn trẻ đang tụ họp nơi đây chiều nay cũng đang rung lên cùng những cảm nghĩ như vậy, và vì thế Cha xin cảm ơn tất cả mọi người. Trước mắt Cha là một hình ảnh sống động của Giáo Hội hoàn vũ. Những quốc gia và những nền văn hóa khác nhau mà các con đang trân trọng đã chứng tỏ rằng Tin Mừng của Đức Kitô thật sự được dành cho tất cả mọi người; rằng Tin Mừng đã được loan truyền đến khắp tận cùng trái đất. Nhưng Cha cũng biết rằng một số lớn các con vẫn đang tìm kiếm một quê hương tâm linh. Một vài người, rất được hoan nghênh đến với chúng ta, không phải là người Công Giáo hay Kitô Giáo. Nhiều người khác thì chỉ lảng vảng nơi ngưỡng cửa giáo xứ và các sinh hoạt của Giáo Hội. Với những người này Cha khuyến khích các con hãy mạnh dạn bước tới tiến vào vòng tay âu yếm của Đức Kitô, hãy xem Giáo Hội như là mái ấm của các con. Không một ai nên đứng ở ngoài rìa, bởi vì kể từ ngày Lễ Hiện Xuống Giáo Hội đã trở nên duy nhất và mang tính toàn cầu.

Cha cũng nhớ đến những người không có mặt nơi đây với chúng ta hôm nay. Cha đặc biệt nhớ đến những người đau yếu thể chất hay tinh thần, những người trẻ đang vướng vòng lao lý, những người khốn khổ sống bên lề xã hội, và những người mà bất kể vì lý do gì đang cảm thấy xa lạ với Giáo Hội. Cha muốn nói với những người này rằng: Đức Giêsu rất gần gũi với các con! Hãy cảm nhận vòng tay yêu thương hàn gắn và khoan dung của Ngài!

Khoảng 2000 năm về trước, các Tông Đồ, tụ họp tại Phòng Tiệc Ly với Đức Maria và những người phụ nữ đạo đức, đã được lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần (Cv 1:14). Ngay vào thời điểm phi thường này đã khai sinh ra Giáo Hội đó, nỗi bất an và sợ hãi đang đè nặng tâm trí các tông đồ đã được biến đổi thành một niềm tin mạnh mẽ và một sứ mạng rõ ràng. Họ cảm thấy được thôi thúc phải loan truyền cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô Phục Sinh, người mà họ âu yếu gọi bằng Chúa. Xét về nhiều khía cạnh, các Tông Đồ tiên khởi chỉ là những người rất bình thường. Không một ai trong số họ có thể xưng mình là một môn đệ hoàn hảo. Họ đã chẳng nhận ra Đức Kitô Phục Sinh (Lc 24:13-32), họ đã bị xấu hổ về những tham vọng của chính họ (Lc 22:24-27), và ngay cả đã từng chối bỏ Chúa nữa (Lc 22:54-62). Vậy mà khi được nâng đỡ bởi Thánh Linh, họ được xác quyết bởi chân lý của Phúc Âm và được linh hứng để mạnh mẽ công bố Tin Mừng mà không hãi sợ gì cả. Với lòng bạo dạn, họ tuyên bố: hãy ăn năn thống hối, hãy chịu Phép Rửa, hãy lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2:37-38)! Được hướng dẫn bởi những lời rao giảng của các Tông Đồ, bởi sự đồng hành của họ, trong lời kinh nguyện và trong Bí Tích Thánh Thể, cộng đồng Kitô hữu non trẻ thời đó đã tiến lên và đi ngược lại với những việc xấu xa bất công lúc bấy giờ (Cv 2:40), để quan tâm lo lắng cho nhau (Cv 2:44-47), để bảo vệ niềm tin của họ vào Đức Giêsu trước những sự công kích (Cv 4:33), và để chữa lành những người bệnh tật đau ốm (Cv 5:12-16). Và khi tuân theo những điều luật của Đức Kitô, họ đã ra đi và làm chứng cho một điều lớn lao nhất trong mọi thời đại: Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, đấng thánh thiêng đã nhập thế vào thế giới trần tục của loài người nhằm mục đích biến cải thế giới đó, và chúng ta được mời gọi để hoà mình trong tình thương cứu độ của Đức Kitô, tình thương chiến thắng sự dữ và tử thần. Thánh Phaolô, trong một bài giảng nổi tiếng của ngài cho người Areopagus, đã giới thiệu thông điệp đó như sau: “Thiên Chúa ban cho mọi loài mọi sự - từ sự sống đến hơi thở - để tất cả mọi dân tộc đều tìm kiếm Người, dò dẫm mà tìm kiếm Người, và may ra tìm được Người, tuy rằng Người thực sự không ở xa mỗi người chúng ta, bởi vì chính nhờ Người mà chúng ta sống, hoạt động, và hiện hữu” (Cv 17:25-28).

Và kể từ ngày đó, nhiều người nam cũng như nữ đã ra đi loan truyền thông điệp đó, làm chứng cho chân lý và tình yêu của Đức Kitô, và góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh. Hôm nay chúng ta nhớ đến các Linh Mục và Tu Sĩ Nam Nữ đã đi tiên phong từ Ái-nhĩ-lan, Pháp, Anh và những vùng khác ở Âu Châu đến những bến bờ nơi đây và những nơi khác trong vùng Thái Bình Dương. Phần lớn trong số họ là những người trẻ - một vài người chưa đến lứa tuổi 20 – và khi họ nói lời chia tay cùng cha mẹ, anh chị em và bạn bè, họ biết là rất có thể họ sẽ không bao giờ trở về. Cuộc đời họ là cả một chứng tá hết lòng cho Đức Kitô. Họ trở nên những người thợ xây bé mọn nhưng ngoan cường và đã gầy dựng một xã hội và một di sản văn hóa mà cho đến ngày nay vẫn còn nảy sinh những hoa quả tốt đẹp, tình thương yêu và chủ đích cho những quốc gia đó. Và họ cũng để lại những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ kế tục. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến niềm tin đã nâng đỡ Chân Phước Mary MacKillop trong quyết tâm dạy dỗ chăm sóc cách đặc biệt cho người nghèo của ngài, đến Chân Phước Peter To Rot trong sự kiên định của ngài là vai trò lãnh đạo bắt buộc phải đi đôi với Phúc Âm. Hãy nhớ đến chính ông bà cha mẹ các con nữa, đó là những người thầy đầu tiên đã dạy dỗ đức tin cho các con. Họ cũng đã phải hy sinh rất nhiều thời gian và công sức vì tình thương yêu dành cho các con. Qua sự trợ giúp của các linh mục giáo xứ và các giảng viên giáo lý, họ có một nhiệm vụ, tuy rất cao cả nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, là chỉ dẫn cho các con hướng về những điều thiện hảo và đúng đắn, bằng chính gương chứng nhân – bằng lời giáo huấn và thực hành đức tin của họ.

Hôm nay là đến lượt Cha. Đối với một số người trong chúng ta, có thể nói là chúng ta đã đặt chân đến tận cùng trái đất! Tuy nhiên, với những người còn trẻ tuổi như các con thì bất cứ chuyến bay nào cũng là một điều thật thú vị. Nhưng với Cha, thì chuyến bay này có vẻ hơi nặng nề! Thế nhưng phong cảnh mặt đất nhìn từ trên không trung thì thật là kỳ diệu làm sao. Vùng Địa Trung Hải lấp lánh, sa mạc Bắc Phi mênh mông, những khu rừng Á Châu xanh tươi, Thái Bình Dương bao la, chân trời xa xa với những cảnh bình minh và hoàng hôn, và khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp của Úc Châu mà Cha đã được tận hưởng trong mấy ngày vừa qua; tất cả những cảnh vật đó đều gợi lên lòng kinh ngạc và ngưỡng mộ. Ngắm những cảnh đó cũng giống như được nhìn thấy những nét trong tiến trình tạo dựng muôn loài theo sách Sáng Thế - ánh sáng và bóng tối, mặt trời và mặt trăng, đại dương và lục địa, các sinh vật; tất cả những gì được coi là “tốt đẹp” trong mắt Thiên Chúa (St 1:1-24). Được hoà mình trong những cảnh đẹp tuyệt vời đó, ai mà không thể đồng cảm với những lời lẽ ngợi ca Đấng Sáng Tạo trong Thánh Vịnh: “lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8:1)

Và còn nữa – còn những điều khó mà hiểu được từ trên không trung: những con người nam nữ trên mặt đất, được tạo dựng từ chính hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26). Trung điểm của tiến trình sáng thế này chính là các con và Cha, là gia đình nhân loại “được đội mũ triều thiên” (Tv 8:5). Thật kỳ diệu biết bao! Cùng với tác giả thánh vịnh, chúng ta phải thầm thì tự hỏi: “con người là chi mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:4). Và rồi lắng xuống trong thinh lặng, lòng tràn đầy tâm tình tạ ơn, hòa quyện vào quyền linh thánh thiện, chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ.

Và chúng ta khám phá được điều gì?

Có thể chúng ta phải miễn cưỡng mà nhìn nhận rằng cũng có những vết thẹo đầy dẫy khắp bề mặt trái đất, chẳng hạn như sự thoái hóa đất đai, sự phá hủy rừng rậm, sự lạm dụng khai thác các tài nguyên khoáng sản và thủy sản nhằm thỏa mãn cho một chủ nghĩa tiêu thụ tham lam vô độ. Một số các con đã đến từ các đảo quốc mà sự tồn tại bị đe dọa bởi mực nước biển ngày càng dâng cao; một số khác từ các quốc gia đang gánh chịu hậu quả của những trận hạn hán nặng nề. Công trình sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa đôi khi lại trở thành thù nghịch với những người được đặt làm quản lý, và có khi còn trở thành nguy hiểm nữa. Tại sao một điều “tốt đẹp” lại có thể trở nên đáng sợ như vậy?

Và còn nữa. Còn nhân loại – kỳ công sáng tạo tuyệt đỉnh của Thiên Chúa – thì sao? Mỗi ngày chúng ta đều được tiếp cận với những thành quả thông thái của nhân loại. Từ những tiến bộ về mặt y học và những áp dụng khôn ngoan của kỹ thuật hiện đại, đến những công trình sáng tạo nghệ thuật, và đời sống con người vẫn luôn ngày càng được nâng cao về nhiều mặt. Các con có thật nhiều cơ hội và luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đó. Một số các con rất xuất sắc về các mặt học vấn, thể thao, âm nhạc, ca múa, kịch nghệ, một số khác thì quan tâm về các vấn đề đạo đức và công bằng xã hội, và nhiều người đã xung phong trong các việc phục vụ thiện nguyện. Tất cả chúng ta, già hay trẻ, đều có những khoảnh khắc mà tính bổn thiện – nếu nhìn theo nghĩa cử sẵn sàng tha thứ của một người lớn hay một em bé - đổ đầy tâm hồn chúng ta với những niềm vui và tri ân sâu sắc.

Thế nhưng những khoảnh khắc đó không kéo dài lâu. Và chúng ta lại phải băn khoăn suy nghĩ. Và rồi chúng ta khám phá ra rằng không những chỉ môi trường thiên nhiên mà còn môi trường xã hội nữa – môi trường mà chính chúng ta tự tạo dựng – đều có những vết thẹo; những vết thương chứng tỏ rằng vẫn còn thiếu thiếu điều gì đó. Ngay cả chính trong cuộc sống cá nhân chúng ta và trong cộng đồng, chúng ta cũng có thể thấy những sự thù nghịch, những điều nguy hiểm; những nọc độc đe dọa làm phá hủy những gì tốt đẹp, làm biến dạng bản thân chúng ta, và làm sai lạc những mục đích mà chúng ta được tạo dựng để đạt tới. Có nhiều ví dụ lắm, như các con cũng biết rồi. Những ví dụ thường thấy nhất là nạn rượu chè ma túy, nạn khuyến khích bạo lực và hạ cấp tính dục mà vẫn thường được trình bày trên tivi và internet như là việc giải trí. Cha tự hỏi là, có ai có can đảm đối diện với chính những người bị bạo hành và bị lạm dụng tình dục, mà dám “giải thích” rằng những thảm kịch đó, được diễn tả qua hình thức phim ảnh, lại có thể được liệt vào loại đơn thuần là “giải trí”?

Còn có một điều xấu khác phát xuất từ thực tế là tự do và lòng khoan dung thì rất thường hay bị tách rời khỏi sự thật. Điều này đã nảy sinh từ cái khái niệm, mà ngày nay được nhiều người tán đồng, là trên đời này chẳng có một chân lý tuyệt đối nào cả. Chủ nghĩa tương đối, bằng cách đề cao giá trị của hầu hết mọi việc một cách vô tội vạ, đã khiến người ta thích đi tìm những “kinh nghiệm” đó. Đúng, kinh nghiệm, nếu bị tách rời khỏi chân lý và điều thiện, có thể đưa tới, không phải sự tự do thật sự, mà là tới sự rối rắm về luân lý và lý trí, tới sự hạ thấp các chuẩn mực, tới việc đánh mất lòng tự trọng, và ngay cả tới sự tuyệt vọng.

Các con thân mến, cuộc đời không chỉ toàn là những sự tình cờ ngẫu nhiên. Sự hiện hữu của chính các con là do Thánh Ý Thiên Chúa, là được chúc phúc và được trao ban một mục đích cụ thể (St 1:28)! Cuộc đời không chỉ là một chuỗi những ngày lễ lạc hội hè và những kinh nghiệm, cho dù nhiều kinh nghiệm đó rất là bổ ích. Cuộc đời là một chuyến hành trình tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Chúng ta nên dựa vào những tiêu chuẩn này khi chọn lựa phương hướng cuộc đời, chúng ta dùng những tiêu chuẩn này để thể hiện tự do của chúng ta; và chỉ có trong những tiêu chuẩn này – Chân, Thiện, Mỹ - là chúng ta có thể tìm được hạnh phúc và nguồn vui đích thực. Đừng dại dột mà nghe lời những kẻ chỉ xem các con như là một người tiêu thụ như bao người khách hàng khác trong một thị trường đầy dẫy những sản phẩm bừa bãi, nơi mà quyền chọn lựa đã trở thành một món hàng, sự mới lạ đã truất ngôi mỹ thuật, và những kinh nghiệm chủ quan đã hất cẳng sự thật.

Đức Kitô có thể mang đến cho các con những điều tốt đẹp hơn! Thật vậy, Ngài có thể ban cho các con tất cả! Chỉ có Ngài là Sự Thật, là Con Đường, và vì thế cũng là Sự Sống. Cho nên “con đường” mà các Tông Đồ dẫn tới tận cùng trái đất chính là cuộc sống trong Đức Kitô. Đó là cuộc sống trong Giáo Hội. Và ngõ vào của cuộc sống này, của con đường Kitô Giáo là Phép Rửa Tội.

Vì thế đêm nay Cha cũng muốn nhắc lại sơ qua một chút khái niệm về Phép Rửa Tội trước khi tìm hiểu về Chúa Thánh Thần vào ngày mai. Trong ngày các con lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Thiên Chúa cho các con thông phần vào bản tính thánh thiện của Ngài (2 Pt 1:4). Các con đã được nhận là con cái của Cha Trên Trời. Các con được kết hợp với Đức Kitô. Các con được làm Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6:19). Bí Tích Rửa Tội không phải là một thành tích, cũng không phải là một phần thưởng. Đó là một hồng ân, đó là công trình của Thiên Chúa. Thật vậy, vào phần kết thúc trong nghi thức Rửa Tội, linh mục sẽ quay sang cha mẹ các con và những người hiện diện tại đó, rồi đọc tên con và tuyên bố rằng: “con đã trở nên tạo vật mới” (Nghi Thức Rửa Tội, 99).

Các con thân mến, khi đang ở nhà, ở trường, nơi làm việc, nơi giải trí, hãy luôn nhớ rằng các con là những con người mới! Không những các con ngước trông lên Đấng Sáng Tạo với lòng kính phục ngưỡng mộ, tự hào về những kỳ công của Người, mà các con còn sẽ nhận ra rằng nền tảng vững chắc của một xã hội đoàn kết loài người là ở chỗ nguồn gốc chung của con người, mà mỗi người là một tuyệt tác của Thiên Chúa. Trong vai trò Kitô hữu các con sống giữa thế gian với ý thức rằng Thiên Chúa có một bộ mặt của loài người – tức là Đức Giêsu Kitô – là “con đường” thỏa đáp những khát vọng của nhân loại, là “sự sống” mà chúng ta được kêu mời để làm chứng dưới ánh sáng của Ngài (ibid. 100). Sứ mạng của một chứng nhân không phải là dễ dàng. Nhiều người ngày nay cho rằng Thiên Chúa chỉ nên được đặt ở bên lề; và tôn giáo và đức tin, mặc dù tốt cho các cá nhân, nhưng phải nên loại ra khỏi những diễn đàn công cộng hoặc chỉ nên dùng trong những mục đích thiết thực hạn chế nào đó mà thôi. Quan niệm trần tục này muốn giải thích cuộc sống của con người và muốn định hướng xã hội mà không nhắc gì đến Đấng Sáng Tạo. Chủ nghĩa thế tục được trình bày có vẻ như là một chủ nghĩa trung lập, không thiên vị, và đại diện cho tất cả mọi người. Nhưng thực tế là, cũng như các chủ nghĩa khác, chủ nghĩa thế tục đã áp dụng quan điểm của trần thế. Nếu Thiên Chúa không liên quan gì với cuộc đời của quần chúng, thì xã hội sẽ được uốn nắn theo một hình ảnh vô thần, và những cuộc thảo luận cũng như các chính sách an sinh xã hội sẽ được hình thành để đối phó với các hậu quả hơn là được thiết lập trên những nguyên tắc căn bản dựa theo chân lý.

Kinh nghiệm cho thấy việc quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa đã gây ra những xáo trộn mà từ đó không khỏi không ảnh hưởng tai hại đến những phần còn lại của thế giới thụ tạo (Thông Điệp của ngày Quốc Tế Hòa Bình 1990, 5). Khi Thiên Chúa bị che phủ, chúng ta bị suy yếu khả năng nhận biết các trật tự tự nhiên, thánh ý Thiên Chúa và những điều tốt đẹp. Những gì ra vẻ được đề cao như là sự khôn ngoan của loài người sớm muộn gì cũng sẽ lộ nguyên hình là những điều dại dột, tham lam và sự lợi dụng ích kỷ. Và vì thế chúng ta đã càng ngày càng ý thức được rằng chúng ta cần phải có lòng khiêm nhường trước thế giới tinh vi phức tạp của Thiên Chúa.

Thế còn môi trường xã hội của chúng ta thì sao? Chúng ta có nên cảnh tỉnh với những dấu hiệu của sự quay lưng lại với hệ thống luân lý mà Thiên Chúa đã phú ban cho nhân loại (Thông Điệp của ngày Quốc Tế Hòa Bình 2007, 8)? Chúng ta có biết rằng phẩm cách bẩm sinh của mỗi một cá nhân là tùy thuộc vào căn tính của họ - là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa – và vì thế nhân quyền là có tính cách toàn cầu, dựa trên quy luật tự nhiên, chứ không phải dựa trên những sự dàn xếp, bảo trợ, chưa kể những sự thỏa hiệp. Và vì vậy chúng ta hãy suy nghĩ về vai trò của những người nghèo khó, già yếu, những người di dân và những người thấp cổ bé miệng trong xã hội của chúng ta. Tại sao lại có nhiều cảnh bạo hành trong gia đình làm đau khổ những người mẹ và những đứa con thơ đến như vậy? Tại sao phần thân thể linh thiêng và kỳ diệu nhất của con người – cung lòng người mẹ - lại trở nên một chốn ác nghiệt không lời nào tả cho xiết?


Các con thân mến, công trình sáng tạo của Thiên Chúa rất độc đáo và rất tốt đẹp. Những mối quan tâm về các dự án phát triển không phá hủy thiên nhiên và giữ được lâu bền, về công lý và hòa bình, và về việc bảo tồn môi trường là những vấn đề quan trọng sinh tử của nhân loại. Tuy nhiên, những vấn đề này không thể được hiểu thấu mà lại tách rời khỏi sự suy nghĩ sâu sắc về nhân cách bẩm sinh của cuộc đời mỗi một con người từ lúc thụ thai cho đến lúc lìa đời: một nhân cách do chính Thiên Chúa trao ban và vì thế bất khả xâm phạm. Thế giới của chúng ta đã trở nên mệt mỏi với những sự tham lam, lợi dụng, chia rẽ, sự rập khuôn của những thần tượng thế gian, những đáp ứng không trọn vẹn, và nỗi đau vì những lời hứa rỗng tuếch. Tâm hồn chúng ta khao khát một viễn cảnh của cuộc sống trong đó tình yêu tồn tại muôn thưở, những ơn lành được chia sẻ, tình đoàn kết được bồi đắp, ý nghĩa của quyền tự do được thể hiện nơi sự thật, và căn tính được thể hiện nơi các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau. Đó là thành quả của Chúa Thánh Thần! Đó là niềm hy vọng được diễn tả trong Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô. Chính vì mục đích làm chứng nhân cho thực tại này mà các con đã được tái sinh trong Phép Rửa và được củng cố nhờ Bảy Ơn Chúa Thánh Thần trong Phép Thêm Sức. Xin cho đây là một thông điệp mà các con sẽ đem từ Sydney đến khắp thế giới!